Đồng hồ chỉ đúng 5 giờ sáng, Mã Khải Hồng, người thôn Trương Pha, trấn Tây Xuyên, huyện Tần An, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc bắt đầu mở cửa phòng khám miễn phí cho người dân. Dù thời gian còn khá sớm nhưng trong sảnh chờ có khoảng 40-50 người ngồi chờ sẵn. Đây là cách một ngày làm việc của bác sĩ Mã.
Từ sáng sớm, phòng khám của anh Mã đã rất đông bệnh nhân xếp hàng. (Ảnh: Gansu)
"Việc này diễn ra suốt hơn 20 năm nay, tôi mở cửa vào 5 giờ mỗi ngày và nghỉ ngơi khi bệnh nhân cuối cùng rời đi", bác sĩ Mã Khải Hồng nói. Điều này khiến nhiều người kinh ngạc khi anh Mã là bác sĩ khuyết tật.
Mã Khải Hồng mắc bệnh bại liệt khi mới 3 tuổi và kể từ đó đôi chân của anh không còn đi lại như bình thường nữa. Lúc nhỏ, anh Mã luôn tự ti về đôi chân, thường trốn trong nhà vì sợ mọi người cười nhạo. Cô giáo đã kể cho anh nghe câu chuyện về Trương Hải Kiệt - một người khuyết tật nhưng đầy mạnh mẽ. Kể từ đó, Mã Khải Hồng bắt đầu học tập chăm chỉ hơn.
Sau khi tốt nghiệp, Mã Khải Hồng tìm tới một bác sĩ trung y ở thị trấn để học việc. Hai năm sau, anh Mã cảm thấy mình càng ngày càng yêu thích chuyên ngành này nên quyết định xin vào bệnh viện tuyến huyện.
Suốt hơn 20 năm, anh Mã khám miễn phí cho nhiều người. (Ảnh: Gansu)
Tới tháng 4/1998, Mã Khải Hồng mở phòng khám miễn phí để phục vụ người dân. Anh cho biết, bản thân chữa bệnh cho người dân không lấy phí là bởi ở đây rất nhiều hộ nghèo, thu nhập thấp và họ không có điều kiện đến các bệnh viện lớn để khám và điều trị.
Tại phòng khám của anh Mã, thuốc bán cũng rẻ hơn những chỗ khác, cách làm này nhằm giúp bệnh nhân giảm gánh nặng tài chính.
Nhờ tay nghề tốt, thái độ nhiệt tình, đặc biệt là phương pháp điều trị độc đáo, Mã Khải Hồng thu hút rất đông bệnh nhân tới phòng khám. Số lượng người tới khám ngày càng nhiều. Mỗi ngày, phòng khám miễn phí của anh Mã đón tới 100 lượt người.