Vài năm gần đầy, điện ảnh Việt ngày càng có nhiều tác phẩm khai thác yếu tố văn hóa dân gian. Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng… với những giá trị văn hóa từ truyện cổ tích, áo dài hay Hồn papa, da con gái với câu chuyện hoán đổi hồn xác đã nhận được nhiều sự yêu thích từ khán giả.
Có thể nói, đây là một tín hiệu đáng mừng khi những bộ phim mang yếu tố văn hóa truyền thống đã bắt đầu tìm được đường đi để tiếp cận với công chúng theo cách tươi mới và dễ tiếp nhận hơn. Ngay như Cô Ba Sài Gòn, khi ra mắt đã tạo nên cơn sốt về phong cách thời trang trong năm qua.
Phim "Cô Ba Sài Gòn" tạo tiếng vang trong nước và quốc tế.
Việc khiến khán giả phải bỏ tiền ra để tìm hiểu sẽ làm cho sản phẩm có sức sống bền lâu và vững vàng hơn. Song song đó, vẫn có vài dự án thuộc thể loại này không đạt được thành công như mong đợi.
Cuối năm nay, điện ảnh Việt có đến 3 bộ phim sử dụng yếu tố dân gian ra rạp gần như sát nhau, là Bắc kim thang – tâm lý và kinh dị, Thiên Linh Cái (tên mới: Thất sơn tâm linh) – trinh thám và kinh dị, Pháp sư mù – trinh thám, siêu thực và kinh dị.
Trong số đó, Bắc kim thang có vẻ là bộ phim “đậm màu” nhất khi tên phim được đặt theo bài đồng dao hầu như người Việt Nam nào cũng thuộc. Nhất là khi gần đây, câu chuyện rùng rợn có chút man rợ đằng sau bài hát đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội khiến mối quan tâm về bộ phim ngày càng nhiều hơn.
Ngoài ra, bối cảnh phim đậm chất miền Tây, quay hình ở một dinh thự cổ ở Vĩnh Long, nổi tiếng với nhiều tin đồn chưa chứng thực về các vụ án từ thế kỷ trước càng gây thêm tò mò từ công chúng.
Poster đậm màu kinh dị của "Bắc kim thang".
Mới nhất, Bắc kim thang còn nhận được một đề cử ở hạng mục Cửa sổ điện ảnh châu Á (A Window on Asian Cinema) tại Liên hoan phim Busan diễn ra vào cuối năm nay.
Hạng mục này thuộc chương trình chính thức (Official Selection) dành riêng cho những tác phẩm điện ảnh mới của các nhà làm phim cùng với những bộ phim hay nhất trong năm để đại diện cho các xu thế của điện ảnh châu Á.
Trong khi đó, Thất sơn tâm linh lại đề cập đến một nét văn hóa khác nhưng chứa yếu tố tâm linh nên có phần khá chật vật, phải mất một năm vượt qua khâu kiểm duyệt. Chính thức được cho phép ra rạp, phim cũng đổi tên, thể loại và kịch bản ban đầu để kể câu chuyện theo cách khác, sát với đời thực và không còn nhiều yếu tố tâm linh.
Tuy nhiên, vì bộ phim này lấy cảm hứng từ một vụ án giết người hàng loạt từng gây chấn động một thời ở miền Tây nên vẫn nhận được sự chú ý từ khán giả.
Một cảnh trong "Thất sơn tâm linh".
Còn với Pháp sư mù, đây là bước đi tiếp theo của Huỳnh Lập sau thành công của web drama Ai chết giơ tay. Những câu chuyện kinh dị được nghe truyền miệng từ nhỏ sẽ được nam diễn viên đưa lên phim và chuyện phim có được an toàn ra rạp không vẫn nằm ở phía trước.