Cụm từ “quân sư tình yêu” nghe vừa lạ lại vừa quen. Bất kể là ai, ở độ tuổi nào khi yêu đương thì hẳn có ít nhất một lần từng gặp rắc rối trong chuyện tình cảm. Và một trong những cách thường được sử dụng nhiều nhất đó là nhờ đến sự tư vấn từ bạn bè, người thân.
Thế nhưng, đáng tiếc là không phải ai yêu đương rồi cũng có thể trở thành “quân sư tình yêu” hữu hiệu. Đôi khi nếu không biết chắt lọc, đường tình của một người có thể rơi vào tình cảnh bấp bênh hơn khi làm theo những lời khuyên nguy hiểm dưới đây:
"Ghen có nghĩa là họ yêu bạn"
Ghen tuông không phải là một cảm xúc xấu, nhưng cũng không bao giờ là một điều tốt cho mối quan hệ.
Ghen ít thì vui, nhưng ghen nhiều quá lại thành đa nghi, ngờ vực, thiếu tin tưởng nhau. (Ảnh minh họa)
Thỉnh thoảng, một ánh mắt ghen tuông, một câu hờn mát có thể tăng gia vị cho cuộc tình, nhưng nếu nó bắt đầu trở nên dày đặc hơn sẽ dần biết thành nghi ngờ, đó không phải là một điều tốt đẹp chút nào. Đó là một dấu hiệu cho thấy niềm tin vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.
Hoặc tệ hơn, các chuyên gia cho rằng ghen tuông có thể biến thành hành vi lạm dụng tâm lý. Điều tồi tệ là khi ghen tuông biến thành kiểm soát. Nếu nửa kia đối xử với bạn như tài sản, đó không còn là ghen tuông - đó là tính sở hữu.
"Những người 'trái dấu' thì hút nhau"
Điều này đúng với nam châm nhưng không hoàn toàn đúng với con người. Mặc dù đúng là sự khác biệt thường là một phần của sự thu hút ban đầu, nhưng nó cũng cần có những điểm chung cơ bản ở một mức độ nào đó (niềm tin, quan điểm sống,...) giúp tạo nền tảng lành mạnh cho các mối quan hệ.
Đừng bao giờ để lời khuyên này ảnh hưởng đến quyết định yêu đương của bạn để rồi đâm đầu vào yêu một người khác biệt từ tính cách, lối sống, sở thích, quan điểm… và sau đó là vật lộn với những mâu thuẫn phát sinh.
Không phải những người nào "trái dấu" cũng có thể trở thành một cặp. (Ảnh minh họa)
"Bạn nên là người 'trên cơ' đối phương"
Trước hết, cả hai đều có những vai trò và trách nhiệm khác nhau trong một mối quan hệ. Và thỉnh thoảng một người đảm nhận vai trò làm chủ là chuyện bình thường, nhưng không phải mọi lúc mọi nơi. Suy nghĩ phải khiến đối phương nghe theo mọi lời nói của mình mới là thành công trong tình yêu thì thật sai lầm.
Sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau mới là điều cần thiết để một mối quan hệ thực sự bền chặt.
"Giải quyết mâu thuẫn bằng cách im lặng"
Cho dù đó là cố ý kéo dài thời gian hồi đáp một tin nhắn hay chỉ là không nói chuyện với nửa kia khi cả hai đang cãi nhau, thì cách xử lý bằng việc im lặng là một lời khuyên chưa đủ sự chín chắn, nếu không muốn nói nặng hơn là tồi tệ.
Giao tiếp rất quan trọng đối với bất kỳ mối quan hệ nào. Bạn cảm thấy thế nào khi bị người khác ngó lơ, hỏi không đáp, nhắn tin không trả lời? Đó có thực sự là cách bạn muốn đối xử với mọi người, đặc biệt là với người mà mình yêu thương?
(Ảnh minh họa)
Im lặng chờ cho đến khi tâm trí bạn đủ bình tĩnh trở lại để trò chuyện thẳng thắn, tôn trọng với người ấy nhằm giải quyết mâu thuẫn là điều nên làm, không phải là im lặng để thể hiện rằng mình đang bực bội, để “chiến tranh lạnh” nhằm đối đầu với nửa kia.
"Chỉ cần cả hai yêu nhau là đủ"
Tình yêu có thể cho chúng ta dũng khí. Tình yêu giúp chúng ta đối mặt với nỗi sợ hãi. Tình yêu giúp chúng ta kiên trì để theo đuổi hạnh phúc… Nhưng tình yêu không thể sửa chữa mọi thứ. Bạn và người ấy yêu nhau sâu đậm. Chỉ cần nhìn vào mắt họ có thể khiến bạn như tan chảy. Nhưng sức mạnh của tình yêu có giới hạn.
Nếu một trong hai người muốn có con và người kia không thích sinh con, thì tình yêu chưa chắc đã đủ để dung hòa lý tưởng khác biệt. Nếu cuộc sống của cả hai luôn bị những rắc rối tiền bạc đeo đuổi, sẽ thật khó khăn để không dẫn đến cắn đắng nhau. Không phải đơn giản để thay đổi một kẻ nghiện rượu, có tính bạo lực trở thành một người có trách nhiệm…
Không phải tình yêu nào cũng có thể dung hòa được những mong muốn khác biệt, những thử thách của cuộc sống. Tình yêu có sức mạnh, nhưng nó không toàn năng. Hãy lãng mạn, mơ mộng khi yêu nhưng đừng bỏ quên hiện thực.