Chị Mai Thu T., Gia Lâm, Hà Nội lấy chồng hơn năm nay nhưng chưa có con. Chu kỳ kinh nguyệt của chị không đều, trung bình 2-3 tháng mới có một lần, thậm chí nửa năm. Thấy sức khoẻ, cơ thể bình thường nên chị T. không đi kiểm tra.
Hai bên gia đình nóng lòng, giục vợ chồng chị đi khám hiếm muộn. Sốt ruột, chị T. đến bệnh viện khám trước, chờ chồng thu xếp công việc và đi sau.
Theo bác sĩ, chị bị chứng rối loạn rụng trứng, khiến chị chậm có con dù không sử dụng biện pháp tránh thai nào.
Chứng rối loạn rụng trứng là nguyên nhân khiến nhiều chị em chậm có con dù không sử dụng biện pháp tránh thai nào. (Ảnh minh họa)
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, chị em kinh nguyệt không đều thường khó mang thai hơn.
Nếu bạn kết hôn mà chậm có con, nguyên nhân có thể do liên quan vấn đề ở tử cung - nơi thai nhi làm tổ và phát triển. Bên cạnh đó còn do tổn thương ở vòi trứng. Vòi trứng là nơi dẫn đường cho tinh trùng và trứng gặp nhau. Nếu vòi trứng tổn thương thì khó thụ thai.
Bác sĩ còn nêu nguyên nhân buồng trứng bị vấn đề. Chu kỳ kinh nguyệt là tấm gương phản chiếu tình trạng sức khỏe sinh sản của chị em ở hiện tại và tương lai. Người phụ nữ thường mỗi tháng chu kỳ kinh nguyệt đến một lần.
Với chị em phụ nữ bị rối loạn rụng trứng, khả năng mang thai thấp nhiều lần so với người phụ nữ có chu kỳ rụng trứng bình thường. Nếu để tự nhiên thì chị em có thể mất vài năm mới có cơ hội thụ thai.
Ngoài khả năng rụng trứng, chất lượng trứng cũng quan trọng. Nhiều chị em bị buồng trứng đa năng, rối loạn rụng trứng, dẫn đến tỷ lệ noãn và trứng bất thường cao hơn. Rối loạn rụng trứng còn khiến chất lượng của nang hoàng thể - được ví như bát canh dinh dưỡng để nuôi phôi thai sau rụng trứng - cũng kém hơn bình thường, do tiết ra được ít nội tiết tố để nuôi dưỡng phôi thai.
Về nguyên nhân rối loạn rụng trứng, bác sĩ Thành cho biết đầu tiên là do não bộ vùng dưới đồi tuyến yên. Đây là cơ quan tiết ra các chất nội tiết kiểm soát kích thích nang trứng phát triển và chín rụng. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc sản xuất các hooc-môn kích thích nang trứng phát triển ở vùng này như u tuyến yên, các tổn thương ở vùng dưới đồi. Bên cạnh đó, tâm lý căng thẳng, trầm cảm đều ảnh hưởng tới vùng não bộ gây ra rối loạn rụng trứng.
Ngoài ra còn do buồng trứng, cơ quan sản xuất nang trứng dưới tác động của các hooc-môn kích thích não bộ từ vùng dưới đồi, tuyến yên. Vì vậy, buồng trứng quá nhiều nang trứng, hay quá ít nang trứng đều gây gây vô sinh hiếm muộn. Các nguyên nhân khác như bệnh lý toàn thân béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu đều ảnh hưởng tới quá trình phát triển của buồng trứng.
BS Thành khuyến cáo chị em phụ nữ nếu thấy bất thường về rối loạn kinh nguyệt thì nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tìm hiểu nguyên nhân và điều trị sớm.