Những ngày qua, vụ việc 221 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc gây xôn xao dư luận. Bệnh viện lý giải, do đơn vị tinh giản một số bộ phận, thu nhập giảm vì COVID-19, tâm lý nhân viên căng thẳng bởi áp lực đổi mới và giảm lương.
Tuy nhiên, một số nhân viên sau khi nghỉ việc lại cho rằng, ý kiến bệnh viện đưa ra chưa hợp lý. Bởi Bệnh viện Bạch Mai nói là thu nhập giảm gần 2.000 tỷ do ảnh hưởng đại dịch nhưng thời điểm đó không riêng gì Bạch Mai bị ảnh hưởng. Mặt khác, dù có 221 người nghỉ nhưng ngay sau đó bệnh viện này tuyển thêm 506 người mới.
Ngoài việc tuyển thêm gần gấp đôi số người nghỉ việc, bệnh viện còn xây dựng cả bản đồ quy hoạch không gian kiến trúc mới, sửa sang và xây đi xây lại nhiều khu vực.
Về vấn đề này, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc tuyển thêm 506 người mới là phù hợp với nhu cầu phát triển của bệnh viện. Đơn cử như bệnh viện hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ thì đội ngũ nhân viên như hộ lý, điều dưỡng và hướng dẫn viên cũng phải tăng thêm. Ngoài ra, khi BV Bạch Mai tiến tới chuyên khoa chuyên môn sâu thì việc tăng thêm nhân sự có chuyên môn là điều tất yếu.
“Không phải vì không có tiền thì không tuyển nhân sự mà chúng tôi tuyển người để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như phục vụ cho định hướng phát triển của bệnh viện. Mặc dù tuyển nhiều như vậy nhưng vẫn có bộ phận kêu còn đang vất vả, vậy nên không tuyển thì lấy đâu ra người làm được, phải đủ nhân lực bệnh viện mới vận hành được chứ”, ông Thành nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai.
Phá bỏ nhà tang lễ do tâm lý?
Ngoài thắc mắc về nhân sự, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế khi nghỉ việc ở Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếc nuối khi cho rằng bệnh viện phá bỏ nhà tang lễ, một nơi mang ý nghĩa rất nhân văn tồn tại ở đây nhiều năm qua.
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai ông Đỗ Văn Thành cho biết, để tinh gọn lại nhân sự, bệnh viện có giải thể một số đơn vị, trong đó có nhà tang lễ. Đây là dịch vụ có ảnh hưởng tới tâm lý của bệnh nhân và người nhà. Bởi hàng ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều bệnh nhân nặng. Nếu để nhà tang lễ, tâm lý của những người bệnh đang nguy kịch sẽ bị ảnh hưởng, hoang mang.
Khu vực trước đây là nhà tang lễ của Bệnh viện Bạch Mai nay đã được xoá bỏ.
“Đang trong quá trình điều trị bệnh nhưng suốt ngày có kèn, trống đám ma thì tâm lý của bệnh nhân, người nhà, thậm chí cả nhân viên y tế sẽ rất bị ảnh hưởng. Đó là còn chưa kể tới việc mỗi khi nơi đây tổ chức đám tang, giao thông cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì những lý do này, bệnh viện xem xét và đi đến quyết định xoá bỏ nhà tang lễ”, ông Thành nói.
Đại diện phòng Tổ chức cán bộ cũng khẳng định, nhà tang lễ không tạo thêm nguồn thu gì cho Bệnh viện Bạch Mai. Ngoài ra, phá bỏ không có nghĩa là bệnh viện không có sự quan tâm những bệnh nhân không may qua đời, và những người này sẽ không có chỗ để tổ chức tang lễ. Bởi Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng với nhà tang lễ thành phố và nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn để phối hợp tổ chức các hoạt động tâm linh cho gia đình và người thân những trường hợp xấu số.