Hai ngày đầu ra quân xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 100/2019, thay thế Nghị định 46/2015/NĐ-CP, CSGT trên toàn quốc xử phạt hàng chục tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Trong đó, có tài xế xe tải bị phạt tới 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 23 tháng; người đi xe máy bị phạt 7 triệu đồng sau khi uống 2 chén rượu với bạn "nhậu".
"Ma men" chống đối bị phạt 35 triệu đồng
Ngày 1/1, tổ công tác thuộc Đội tuần tra cao tốc số 3 (Cục CSGT) ra quân làm nhiệm vụ tại km188+300 tuyến Pháp Vân - Ninh Bình, kiểm tra hàng loạt xe tải.
Tại đây, lực lượng kiểm tra nồng độ cồn với tài xế xe tải BKS: 29C-45xx là Lê Khắc T. nhưng lái xe này bất hợp tác. Sau nhiều lần giải thích kế hoạch thực hiện xử phạt theo Nghị định 100, tài xế T. mới chấp hành.
Tài xế T. bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Kết quả kiểm tra tại chỗ, tài xế Lê Khắc T. vi phạm nồng độ cồn mức 0,719 miligam/lít khí thở (vượt khung phạt cao nhất 0,4 miligam/lít khí thở). Tổ cảnh sát lập biên bản xử phạt hành chính 35 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng đối "ma men" này,
Cũng trong ngày đầu ra quân, Đội tuần tra cao tốc số 2 (Cục CSGT) cho biết, qua camera giám sát trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đơn vị xác định xe bồn mang BKS 88C-050xx đi lùi trên đường cấm tại km49+300.
Đại diện Cục CSGT nhận định, đây là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Qua xác minh, người lái xe bồn này là Vũ Quý H. (SN 1995, quê tỉnh Hải Dương). Sau khi tài xế thừa nhận lỗi, đơn vị lập biên bản phạt 17 triệu đồng, tước GPLX 6 tháng.
"Tôi không bao giờ uống rượu, lái xe nữa"
Ngày 2/1, tại nút giao Hàng Cót - Phan Đình Phùng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tổ công tác của Phòng CSGT Hà Nội dừng xe, kiểm tra hàng loạt người lái xe máy.
Ông Nguyễn Văn Duyên (SN 1963, trú huyện Gia Lâm) lái xe máy BKS 29R9-08xx chở bạn vừa rời quán nhậu thì bị CSGT tuýt còi. Kiểm tra tại chỗ, cảnh sát báo ông Duyên vi phạm nồng độ cồn mức 0,489miligam/lít khí thở.
Ông Duyên bị xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái gần 2 tháng sau khi uống 2 chén rượu rồi lái xe.
“Tôi bị cảnh sát lập biên bản, xử phạt 7 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng và tạm giữ phương tiện trong 7 ngày. Hôm nay, tôi cùng bạn mới chỉ uống 2 chén rượu phải nhận mức phạt nặng. Tôi không ngờ mức phạt giờ cao quá, thế này thì tôi không bao giờ lái xe sau khi uống rượu bia nữa”, ông Duyên nói.
Trong tối 2/1, tại nút giao Xuân Thủy - Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), Đội CSGT số 6 dừng xe máy do ông L.H.H (SN 1963) cầm lái.
Vừa tấp xe vào lề, người đàn ông nói: “Tôi uống 2 cốc bia, nhà tôi ở cách đây khoảng trăm mét kia kìa. Tôi khẳng định là tôi có uống”.
Thấy vậy, một chiến sỹ CSGT trong Tổ công tác hỏi ông H.: “Bác có chấp hành không ạ?”. Đáp lại lời lực lượng chức năng, ông H. nói: “Tôi không chấp hành”.
Bên cạnh sự thiếu hợp tác với lực lượng chức năng, ông H. còn đe dọa sẽ kiện các phóng viên khi đăng tải hình ảnh, video của ông ta lên báo chí. Người này thậm chí còn đuổi đòi đập máy của phóng viên.
Hơn hai tiếng không hợp tác, ông này bị CSGT lập biên bản nhưng ông này nhất định không ký tên.
Ông H. trong tình trạng say rượu mở khóa xe nhưng bị lực lượng chức năng ngăn cản thì ông tranh cãi mình dắt lên vỉa hè.
Về trường hợp này, Trung tá Phương Công Thường - cán bộ Đội CSGT số 6 cho biết đơn vị đã lập biên bản đối với ông H. về lỗi vi phạm không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.
“Nếu bác H. đo nồng độ cồn có thể mức phạt sẽ thấp hơn là lỗi không chấp hành đo nồng độ cồn bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu”, Trung tá Thường cho hay và nói ông H. sẽ bị phạt ở mức cao nhất.
CSGT khẳng định sẽ xử nghiêm, phạt nặng
Thượng úy Ngô Văn Tâm - Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết, triển khai xử lý vi phạm theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, Phòng CSGT Hà Nội có văn bản chỉ đạo tới 100% cán bộ chiến sĩ.
“Khu vực quận Hoàn Kiếm tập trung nhiều quán nhậu. Những ngày đầu xử phạt, cảnh sát chủ yếu hướng dẫn, tuyên truyền tới người dân về mức phạt mới.
Nhiều tài xế tỏ ra ngỡ ngàng về mức phạt cao hơn so với quy định cũ. Sau khi lập biên bản, nhiều người có nhận thức thay đổi, hứa không tái phạm và sẽ không lái xe khi đã uống rượu bia”, Thượng úy Ngô Văn Tâm nói.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Quân, Đội CSGT số 3 cho biết, những ngày đầu, đơn vị chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở để người dân nắm rõ về nghị định mới.
Qua hai ngày ra quân, phần lớn người dân chưa nắm được từng mức phạt về các vi phạm: không đội mũ, không lắp gương chiếu hậu, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, có nồng độ cồn…
Thiếu tá Nguyễn Hữu Quân nhấn mạnh, đối với các hành vi bất tuân, chống đối, cảnh sát sẽ kiên quyết xử phạt triệt để nhằm ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn.
Để tránh tình trạng tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm, lãnh đạo Phòng CSGT quán triệt tới từng cán bộ, chiến sỹ chấp hành nghiêm theo quy định của ngành, cán bộ, chiến sỹ nào vi phạm sẽ bị kỷ luật, xử lý nghiêm.
5 điểm mới đáng lưu ý Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được áp dụng từ 1/1/2020
1. Đã uống rượu bia thì không được lái xe
Tại Điều 5 của luật này có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu bia. Trong đó đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Ngoài ra, Luật cũng nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; Cung cấp thông thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe…
2. Quán nhậu hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu bia
Các chủ quán nhậu phải có trách nhiệm hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu bia.
Cụ thể, khoản 6 Điều 32 quy định: “Cơ sở bán rượu bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu bia”.
3. Phải dán thông báo không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi
Khoản 5 Điều 32 của luật chỉ rõ: “Cơ sở bán rượu bia phải niêm yết thông báo không bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”.
4. Thành viên gia đình được hướng dẫn kỹ năng từ chối uống rượu bia
Điều 34 quy định các gia đình có trách nhiệm “Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu bia trong gia đình cai nghiện rượu bia; hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu bia…”.
5. Không mở mới điểm bán rượu bia gần trường học, bệnh viện
Khoản 7 Điều 32 nêu rõ: “Kể từ ngày luật này có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông”.