Kiến nghị thu hồi 2 giấy phép
Sáng 21/11, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị thu hồi giấy phép sử dụng tài nguyên nước; đề nghị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép hoạt động điện lực cấp cho Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam tại thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông).
Nguyên nhân là thủy điện Thượng Nhật vi phạm các quy định về tích nước không chấp hành nghiêm túc việc mở 5 cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn.
Ngoài ra, văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang củng cố hồ sơ để trình lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, ra quyết định xử phạt thêm hành vi vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đối với Công ty cổ phần đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam.
Chủ tịch UBND tình Thừa Thiên - Huế kiến nghị Bộ TN&MT và Bộ Công thương thu hồi 2 giấy phép cấp cho thuỷ điện Thượng Nhật.
Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế trước đó lập biên bản hành vi vi phạm này của Công ty Cổ phần đầu tư thuỷ điện miền Trung Việt Nam và gửi đề xuất lên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị xử phạt. Với vi phạm này, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật có thể bị xử phạt mức tối đa 500 triệu đồng.
Sáng 18/11, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương cũng đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam; Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế về những vi phạm trong công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình thủy điện Thượng Nhật.
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật) cung cấp các hồ sơ, thủ tục liên quan đến quá trình xây dựng, đền bù, vận hành nhà máy.
Lãnh đạo thuỷ điện Thượng Nhật chấp hành việc đền bù, giải tỏa mặt bằng cho các hộ dân có liên quan đến công trình thủy điện này, đồng thời cam kết sẵn sàng trả tiền cho các hộ dân đang còn vướng mắc phát sinh theo đúng quy định.
Ông Lê Thanh Hồ, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông, đề nghị đoàn công tác ghi thêm một số nội dung liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của của thủy điện Thượng Nhật trong việc phối hợp với địa phương quản lý quá trình vận hành nhà máy.
Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương kết luận, chủ đầu tư thuỷ điện Thượng Nhật là Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam vi phạm 2 quy định thuộc Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương làm việc và kết luận những vi phạm tại thuỷ điện Thượng Nhật.
Trong đó, hành vi thứ nhất là "Không thực hiện quan trắc, hoặc không xử lý, lưu trữ số liệu quan trắc".
Theo đoàn kiểm tra, chủ đầu tư bố trí các thiết bị quan trắc hồ và đập ở công trình thủy điện Thượng Nhật nhưng không tiến hành quan trắc cũng như không xử lý các số liệu quan trắc như quy định.
Hành vi thứ 2 là "Không có quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, hoặc vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".
Theo đó, đoàn kiểm tra khẳng định trong đợt bão số 13 vừa qua, chủ đầu tư chưa tuân thủ quy trình vận hành phòng chống bão lũ của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế.
"Tỉnh yêu cầu mở hoàn toàn 5 cửa van nhưng chủ đầu tư 2 lần không mở hoặc mở ở trạng thái không hoàn toàn", ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương) nói.
Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương lập biên bản 2 vi phạm trên để đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, dựa trên các vi phạm về an toàn hồ đập, đoàn kiểm tra cho biết, sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực được cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam tại nhà máy thuỷ điện Thượng Nhật.
Có thể khởi tố để răn đe
Theo Luật sư Võ Thị Tuệ Minh - Giám đốc công ty luật An Doanh tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến lúc cơ quan hành pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế nên đi tiên phong lấy việc xử lý nghiêm khắc trường hợp thủy điện Thượng Nhật để răn đe về hành vi vi phạm các quy định về tích nước và vận hành với các thuỷ điện vừa và nhỏ.
Dù chưa gây thiệt hại về người và tài sản nhưng với hành vi vi phạm nhiều lần của thuỷ điện Thượng Nhật, cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố tại Điều 238 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, với hành vi vận hành hồ chứa không đúng quy trình vận hành hồ chứa mà không thuộc trường hợp đặc biệt thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và mặc dù hành vi trên chưa gây ra một trong các hậu quả được nêu tại khoản 1 Điều 238 Bộ luật Hình sự (BLHS), nhưng căn cứ theo quy định tại Điều 15 BLHS, thì cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt của tội Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 238 BLHS và Điều 15 BLHS.
Trước đó công an phải túc trực 24/24 để giám sát việc vận hành điều tiết nước về hạ du tại thuỷ điện Thượng Nhật sau khi thuỷ điện này ngang nhiên chống lệnh để tích "bom nước" trái phép trong bối cảnh bão số 13 đang đổ bộ.
Trong trường hợp hành vi nêu trên là do cá nhân thực hiện thì cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh trên với mức hình phạt cao nhất là 1 năm 6 tháng tù theo quy định khoản 1 Điều 238 BLHS và Điều 15 BLHS. Nếu có tình tiết khác thuộc một trong các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2, 3 Điều 238 BLHS thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao hơn.
Trường hợp công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam, chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 75 BLHS thì công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam có thể đồng thời bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tư cách là pháp nhân thương mại về tội Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 238 BLHS.
Theo đó, công ty sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, còn có thể bị phạt áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng (nếu không áp dụng là hình phạt chính), cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Ngày 13/11, UBND xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) báo cáo về việc thực hiện các phương pháp ứng phó với bão số 13 liên quan đến công trình thuỷ điện Thượng Nhật.
Theo báo cáo của UBND xã Thượng Nhật, qua quá trình kiểm tra và theo dõi quá trình xả nước của Công ty thuỷ điện Thượng Nhật, lúc 9h ngày 13/11 lực lượng công an xã phát hiện công ty thuỷ điện này không chấp hành nghiêm túc việc mở 5 cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn. Mực nước hồ ở cao trình là 115m.
Sáng 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát công điện khẩn yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam (Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật) vận hành mở 5 cửa van của nhà máy thủy điện Thượng Nhật về trạng thái mở hoàn toàn để đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du.
Người đứng đầu chính quyền UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo Công an huyện Nam Đông và Công an xã Thượng Nhật giám sát 24/24 giờ việc chấp hành mở hoàn toàn 5 cửa van nhà máy thủy điện Thượng Nhật.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung ngưng mua điện của nhà máy thủy điện Thượng Nhật cho đến khi nhà máy tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý an toàn đập.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ việc chấp hành của chủ hồ đồng thời xử lý ngiêm khắc vi phạm của thuỷ điện Thượng Nhật, tránh để xảy ra tình trạng tương tự.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên thuỷ điện Thượng Nhật ngang nhiên không chấp hành công điện phòng chống bão của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trước đó, nhà máy thuỷ điện này không chấp hành nghiêm túc công điện khẩn ứng phó bão số 9.
Được biết, công trình nhà máy thủy điện Thượng Nhật do Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11MW và chưa được phép tích nước vận hành.
Tuy nhiên trong giai đoạn vừa qua, thủy điện này không tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về xử lý việc tích nước và các nội dung tồn tại của công trình nhà máy thủy điện Thượng Nhật.