Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sửa chữa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất: Có kịp bay Tết?

Cả hai đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều sắp hoàn tất việc thi công xây lắp.

Tuy nhiên, dự kiến phải chờ đến đầu tháng 1/2021 mới có thể khai thác để bê tông đạt cường độ theo yêu cầu.

30/11/2020 cơ bản hoàn thành thi công

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại CHK quốc tế Nội Bài, Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả giao thầu cho 17 gói thầu. Hiện, chỉ còn 3 gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị.

Liên quan đến nguồn vốn, trong năm 2020, dự án được bố trí 455,5 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đã giải ngân được 378 tỷ đồng (đạt 82,99%).

Thi công cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh 1A và 1B

Về công tác thi công tại hiện trường, trao đổi với Báo Giao thông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) Nguyễn Bách Tùng cho biết, các đơn vị đã thi công cơ bản xong phần bê tông, chỉ còn các nút đường lăn.

“Dự kiến 30/11/2020 sẽ hoàn thành cơ bản công việc, đến 1/1/2021 sẽ đưa vào khai thác, đảm bảo phục vụ cao điểm Tết như kế hoạch ban đầu”, ông Tùng nói và cho biết thêm, lý do 30/11/2020 đã hoàn thành mà 1/1/2021 mới có thể đưa vào khai thác là do sau khi thi công xong, phải chờ thêm 28 ngày bê tông mới có thể đạt cường độ theo yêu cầu.

Tại Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Bách Tùng cho biết, các nhà thầu đã thi công xong phần bê tông xi măng tại đường băng 25R/07L, hiện đang tập trung thi công các nút đường lăn.

“Việc đưa vào khai thác đúng hẹn, đồng thời với đường băng, đường lăn Nội Bài vào thời điểm 1/1/2021 là hoàn toàn khả thi”, ông Tùng nói và cho biết thêm, hiện Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả giao thầu của 16 gói thầu. Bốn gói thầu còn lại vẫn đang tích cực được triển khai.

Cụ thể, Bộ GTVT đã duyệt danh sách, TCT Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) đã trình giao thầu, Cục QLXD &CLCTGT đang thẩm định, báo cáo Bộ GTVT làm cơ sở giao thầu gói thầu TV-08 (Tư vấn kiểm định chất lượng công trình) và gói thầu TV-10 (Tư vấn kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành).

Liên quan gói thầu thiết bị, Bộ GTVT đã thống nhất giao thầu. Hiện tại, CIPM đang hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Bộ GTVT kế hoạch giao thầu, tiêu chí, danh sách nhà thầu thực hiện cung cấp, lắp đặt thiết bị cho đường băng 25R/07L.

Vì sao giao thầu thiết bị?

Tìm hiểu của PV, trước khi đồng ý áp dụng giao thầu với gói thầu thiết bị, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA Thăng Long và CIPM xây dựng phương án đấu thầu hạng mục mua sắm thiết bị mới.

Tuy nhiên, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai 2 dự án đầu tư, nâng cấp đường băng, đường lăn tại Nội Bài, Cục Hàng không VN, TCT Cảng hàng không VN (ACV) đều cho rằng, dự án đang triển khai chỉ thực hiện đầu tư các thiết bị để cải tạo, nâng cấp một phần thiết bị trong hệ thống trang thiết bị của 2 cảng hàng không.

Do đó, các thiết bị đầu tư không những phải có chất lượng tốt, tuổi thọ dài, giá thành hợp lý mà còn phải đảm bảo đồng bộ, ổn định, tích hợp kết nối với hệ thống đang vận hành khai thác.

Trong mọi điều kiện hệ thống thiết bị luôn hoạt động tốt phục vụ điều hành tuyệt đối an toàn, hiệu quả đối với 2 CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đặc biệt có tần suất khai thác lớn.

Hơn nữa, thời gian tổ chức đấu thầu mất tối thiểu từ 3 - 4 tháng (nếu không phát sinh tình huống đấu thầu) và không lường hết được các rủi ro, tỷ lệ tiết kiệm (5%) trong quá trình đấu thầu.

Theo đánh giá hoạt động hàng không sẽ tăng trở lại vào tháng 4 - 5/2021, việc chậm đưa dự án vào khai thác sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tại các CHK và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, đối ngoại.

Do đó, Bộ GTVT thống nhất đề xuất phương án giao thầu hạng mục cung cấp, lắp đặt thiết bị, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 626 để đảm bảo yêu cầu tiến độ và tính chất dự án.

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho hay: Cả 2 dự án tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất thuộc dự án cải tạo, nâng cấp (không phải đầu tư mới toàn bộ), yêu cầu các thiết bị phải đảm bảo kết nối vào hệ thống thiết bị cũ.

Như tại Nội Bài, hiện tại đang khai thác hệ thống thiết bị đèn tín hiệu hàng không của hãng ADBSafegate; hệ thống thiết bị hạ cánh chính xác (ILS/DME) của hãng Normac nên phải tiếp tục sử dụng thiết bị của hãng hiện tại mới đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống đang khai thác.

Các hệ thống thiết bị phải được đầu tư nâng cấp, cải tạo trên nguyên tắc đồng bộ về chủng loại thiết bị, tích hợp, kết nối đồng bộ với hệ thống đang khai thác và phải đảm bảo hoạt động cảng luôn liên tục, tuyệt đối an toàn trong mọi trường hợp.

Nguồn: Báo Giao thông

Tin mới