Tối 5/6, Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 1 chính thức quay trở lại. Với nhiều thay đổi trong luật chơi cũng như xuất hiện thêm vị “cá mập” mới là Shark Hùng Anh – Chủ tịch Tập đoàn BIN Group, chương trình càng trở nên hấp dẫn và kịch tính hơn. Đặc biệt, các startup cũng gây ấn tượng không kém ngay khi bắt đầu “chào sân”.
Mở đầu là màn đu người từ trên dây xuống sân khấu của startup Lê Lưu Dũng - sáng lập, giám đốc điều hành của Jungle Boss, chuyên cung cấp các dịch vụ tour mạo hiểm khám phá hang động tại Phong Nha - Kẻ Bàng. Đến với Shark Tank lần này, Jungle Boss mong muốn tìm kiếm 10 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty. Phần ngân sách này sẽ được sử dụng phát triển hai loại hình sản phẩm mới là glamping và paragliding - dù lượn ngắm miền di sản, phát triển marketing và đào tạo nhân lực.
Tiếp đó, dự án EM & AI của Founder Lê Ngọc Trí gọi vốn 1 triệu USD cho 5% cổ phần. Sau nhiều màn tranh luận với các Shark, Lê Ngọc Trí đã chơi "cửa mở" khi thuyết phục Shark Liên. Startup Voicebot AI đề nghị ký quỹ 100.000 USD để thẩm định cam kết đạt KPI trong 2 tháng, nếu không đạt sẽ không lấy số tiền này.
Nhà sáng lập cuối cùng xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 1 là Hana Ngô - CEO HanaGold, chuỗi tiệm kim hoàn ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và kinh doanh.
Hana Ngô - CEO HanaGold.
Theo nữ CEO, HanaGold thành lập từ năm 2020 nhưng chính thức đi vào triển khai kinh doanh là từ tháng 09/2021, đến nay là 8 tháng. Hơn 15.000 khách hàng dùng ứng dụng HanaGold, trong đó khoảng 30% đã có giao dịch là kết quả thu được sau 2 ngày ra mắt mobile app.
Đến với HanaGold, khách hàng có thể mua vàng tích lũy online chỉ từ 100.000 đồng và có thể bán ngay trên app ngược lại cho tiệm vàng HanaGold. Nếu có nhu cầu nhận vàng vật chất thì khách hàng có thể mua tích luỹ dần đến khi đủ 1 chỉ vàng, sau đó nhận vàng trực tiếp tại cửa hàng hoặc chuỗi cửa hàng nhượng quyền trên toàn quốc. Hiện, HanaGold xây dựng được 3 showroom và đang tiếp tục mở rộng.
Với mô hình nhượng quyền, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra số vốn từ 500.000.000 đồng là đã sở hữu một tiệm kim hoàn 4.0 và tuỳ năng lực tài chính nhà đầu tư sẽ có setup quy mô showroom phù hợp. Hana Ngô kêu gọi đầu tư 200.000 USD cho 10% cổ phần tại Shark Tank.
Shark Phú khá lạc quan vào sự đổi mới sáng tạo của startup Hana Ngô.
Tuy nhiên, HanaGold lại không nhận được sự đầu tư của các Shark. Shark Liên cho biết, mặc dù khá thích Hana Ngô nhưng bà đánh giá mô hình kinh doanh này chưa an toàn cho khách hàng. Trong khi đó, theo Shark Hưng, mô hình tích lũy qua ứng dụng sẽ không kiểm soát được giá vàng lên xuống, và sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào vấn đề xử lý dòng tiền.
Về phần mình, Shark Phú khá lạc quan vào sự đổi mới sáng tạo của startup, tuy nhiên ông cho rằng dự án nếu do các đơn vị tài chính lớn trên thế giới phát triển mới có thể đạt được lòng tin của khách hàng.
Chia sẻ về mô hình kinh doanh của mình, nữ CEO cho biết thêm: “Với HanaGold, người dùng có thể giao dịch ở bất kỳ đâu và vào mọi thời điểm. Nền tảng của CMCN 4.0 giúp quá trình giao dịch giữa khách hàng và tiệm vàng diễn ra tiện lợi, tiết kiệm thời gian, đảm bảo an toàn, hiệu quả hơn". Nữ CEO cũng cho biết, hiện ứng dụng HanaGold đã được nhiều nhà đầu tư lớn với hơn 43.000 người dùng tin tưởng tải app chỉ trong 7 ngày ra mắt, và con số này vẫn đang tăng trưởng đều đặn.
Dù không nhận được đầu tư, Hana Ngô bày tỏ quyết tâm giữ vững lập trường và tiếp tục nỗ lực để khẳng định HanaGold là một mô hình kinh doanh hiệu quả, cách tân và sẽ có những đóng góp thực tiễn cho ngành kim hoàn. “Chúng tôi hoàn toàn tin vào mô hình kinh doanh của mình, tin rằng với xu hướng số hóa hiện nay, HanaGold sẽ ngày càng được đón nhận và bùng nổ trong thời gian tới”, Hana Ngô tự tin.
Được biết, chuỗi tiệm kim hoàn HanaGold từng đạt giải ba cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Techfest 2021 nhờ giải pháp số hóa kinh doanh vàng bạc đá quý.