Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, điều này nhằm khuyến khích sinh viên đi xe buýt, giúp giảm ùn tắc giao thông đô thị và bảo vệ môi trường. Đối với những sinh viên có nơi ở hoặc nơi cần đến xa điểm bắt xe buýt, việc đi bộ đến bến xe là hoạt động giúp rèn luyện thể thao hàng ngày.
Hiện có tổng số 17 điểm dừng xe buýt gần trường. Trung bình mỗi 20-30 phút sẽ có một chuyến. Theo dõi thời gian xe đến cũng giúp sinh viên rèn thói quen đúng giờ để bắt kịp chuyến xe mình muốn, tới điểm cần đến theo đúng kế hoạch.
Đi xe buýt cũng giúp sinh viên tiết kiệm chi phí hiệu quả. Những người chưa có phương tiện đi lại cá nhân thường sử dụng các dịch vụ như xe ôm công nghệ, taxi… là những dịch vụ có chi phí khá đắt đỏ. Với giá tiền của vài chuyến xe ôm công nghệ hoặc một chuyến taxi, sinh viên có thể đăng ký vé xe buýt tháng và sử dụng không giới hạn đến những điểm mong muốn.
Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến khích sinh viên tích cực sử dụng xe buýt. (Ảnh: HUST)
"Với những lợi ích nêu trên, thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng nói chung và xe bus nói riêng cần được khuyến khích và lan tỏa rộng rãi. Năm học 2024-2025, nhà trường tiếp tục khuyến khích sinh viên tích cực sử dụng xe bus nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và rèn luyện bản thân", Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin.
Đây là lần đầu tiên có đại học cộng điểm rèn luyện cho sinh viên bằng hình thức đi xe buýt.
Nhà trường hiện chưa có thống kê cụ thể về số sinh viên đến trường bằng xe buýt nhưng quan sát thực tế cho thấy rất nhiều em sử dụng phương tiện này. Sinh viên nộp minh chứng bằng vé tháng xe bus, sẽ được cộng điểm rèn luyện.
Điểm rèn luyện thường dùng để xét duyệt học bổng, xét khen thưởng - kỷ luật, xét thôi học, lưu trú ký túc xá và các ưu tiên khác theo quy định của từng trường. Ngoài ra, đây còn là căn cứ để xét sinh viên thi hay làm khóa luận tốt nghiệp.