Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quá tải bệnh viện sẽ chấm dứt khi y tế cơ sở được nâng cao

(VTC News) -

Nhờ dự án ‘‘Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở’’, người dân được tiếp cận nhiều kỹ thuật hiện đại khi khám bệnh tại y tế cơ sở.

Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở, năm 2020, Bộ Y tế khởi động dự án ‘‘Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở’’ sử dụng nguồn vốn vay và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng thế giới.

Đây được xem là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng với ngành y tế nói chung, đặc biệt với mạng lưới y tế cơ sở của 13 tỉnh khó khăn về kinh tế xã hội trên cả nước tham gia dự án.

Theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, với tổng kinh phí khoảng 120 triệu USD, chiến lược đầu tư tương đối toàn diện, dự án được đánh giá có tổng mức đầu tư lớn của ngành y tế. Điều này phản ánh chiến lược của ngành y tế trong việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cho mạng lưới cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu tại những địa bàn khó khăn trên cả nước.

Bác sĩ Phạm Hiền Lương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết, từ khi có cơ sở vật chất mới được đầu tư bởi dự án, mỗi ngày trạm y tế tiếp đón khoảng 30 người dân đến thăm khám, con số này trước đây chỉ khoảng 10, thời điểm cao nhất là 15 người/ngày.

Đặc biệt, với cơ sở mới, trang thiết bị mới được đầu tư, cán bộ y tế được tập huấn bài bản, các y bác sĩ của đơn vị này đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hơn như cấp cứu ban đầu, sốc phản vệ, các bệnh về hô hấp nhi, sốt cao, co giật, viêm phế quản.

Theo ông Nguyễn Quảng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ, Trạm y tế xã Cam Chính là một trong ba trạm y tế xã của huyện được xây mới và nâng cấp, sửa chữa theo dự án. Tất cả 3 trạm đều đang hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt, công tác chăm sóc sức khoẻ của người dân tại địa phương được nâng cao hơn trước rất nhiều. Các trạm đều khang trang, thiết bị được đầu tư phù hợp.

PGS Phan Lê Thu Hằng khảo sát thực tế tại 1 trạm y tế xã ở tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: HM)

PGS Phan Lê Thu Hằng cho biết, dự án bắt đầu triển khai đúng thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát nên trong 2 năm đầu gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, kết quả đánh giá mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, bất chấp những thách thức nghiêm trọng mang tính khách quan, dự án vẫn được đánh giá ở mức đạt yêu cầu.

Đến nay, 13 địa phương tham gia dự án đã có 412 công trình được xây dựng, bao gồm các trạm y tế nâng cấp hoặc xây mới và các trung tâm y tế trên địa bàn 109 huyện/thị xã, đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đạt trên 86% so với số công trình dự kiến.

Để đảm bảo tính bền vững của công tác nâng cao năng lực, dự án cũng xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể với nguyên tắc hai bước, đào tạo đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh và tập huấn cán bộ y tế cơ sở.

Đến nay, đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh, giám sát viên tuyến huyện được đào tạo là 1.857 lượt người (đạt 96% so với kế hoạch đào tạo tổng thể). Tổng số cán bộ y tế xã được tập huấn là 24.346 lượt người (đạt 85,2% so với nhu cầu đào tạo của các tỉnh)…

Đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết quá tải bệnh viện

Theo PGS Phan Lê Thu Hằng phân tích nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho thấy 80% người dân bị mắc bệnh nhẹ hoặc chưa có bệnh chỉ cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, chỉ khoảng 20% người dân bị bệnh cần phải nhập viện (15% cần điều trị ở mức độ cơ bản và 5% là bệnh nặng cần điều trị ở mức độ chuyên sâu).

Như vậy, để giải quyết căn cơ tình trạng quá tải bệnh viện, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về quản lý, kỹ thuật và tài chính mang tính hệ thống. Những can thiệp không chỉ giới hạn tại các bệnh viện tuyến cuối mà còn phải được thực hiện đối với những thành tố khác của hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở.

Người dân đến khám bệnh tại trạm y tế xã. (Ảnh: HM)

Theo bà Hằng, thực tế cho thấy, tình trạng quá tải bệnh viện ở Việt Nam chỉ xảy ra tại các bệnh viện tuyến cuối và gây tác động tiêu cực tới hiệu quả sử dụng nguồn lực chung cho chăm sóc sức khỏe người dân.

Tình trạng quá tải bệnh viện được đánh giá là hậu quả của sự kết hợp của hai nhóm nguyên nhân chính, đó là sự thiếu hụt năng lực cung ứng dịch vụ y tế tuyến cuối so với nhu cầu thực tế và sự gia tăng quá mức nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối.

Do đó, để đạt được sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu dịch vụ y tế tuyến cuối, bên cạnh các nỗ lực gia tăng nguồn cung theo kịp sự gia tăng cầu thực, cần hạn chế sự gia tăng quá mức cầu dịch vụ y tế tuyến cuối.

Để đáp ứng tối ưu nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, chuỗi chăm sóc sức khỏe (bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khoẻ cơ bản, chăm sóc sức khỏe chuyên sâu) cần được thiết lập và vận hành hiệu quả.

Việc nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở sẽ hỗ trợ hiệu quả việc kìm hãm đà gia tăng quá mức về nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối (bao gồm cả cầu thực và cầu ảo) cũng như hỗ trợ việc tái lập sự cân bằng hợp lý giữa các thành tố trong chuỗi chăm sóc sức khỏe, qua đó góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm quá tải bệnh viện.

Như Loan

Tin mới