Phát triển nền kinh tế tuần hoàn là hướng đi vì tương lai
Hệ thống kinh tế thế giới hiện nay dựa vào việc sử dụng các nguồn tài nguyên chi phí thấp, dễ tiếp cận. Sự tích tụ ngày càng nhiều chất thải trong môi trường biển và ven biển theo mô hình “khai thác - chế tạo, sử dụng - vứt bỏ” khiến cho gánh nặng rác thải môi trường càng ngày càng lớn.
Đặc biệt, rác thải bao bì nhựa sử dụng một lần đã trở thành tâm điểm chú ý trong những năm gần đây. Thống kê năm 2015, loại chất thải này chiếm khoảng 47% tổng lượng chất thải nhựa toàn cầu.
Các đặc tính làm cho vật liệu này trở nên được ưa chuộng là vì tính hiệu quả trong việc bảo quản hàng hóa và sản xuất hàng loạt và đó cũng chính là nguyên nhân khiến nó trở nên phổ biến, khó khăn để loại bỏ. Bao bì nhựa sử dụng một lần thường rẻ, nhẹ và linh hoạt, lại có thể tồn tại hàng nghìn năm trong môi trường, rất khó phân hủy. Nhưng vì giá trị thấp, khó tái chế và bán lại nên dễ bị quản lý kém và thải bỏ không đúng cách.
Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, nền kinh tế tuần hoàn có thể xác định lại các mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại, cho phép thương mại và tăng trưởng được hưởng lợi từ các lợi ích tích cực về kinh tế, xã hội và môi trường trên các chuỗi cung ứng, mô hình kinh doanh và vòng đời, thiết kế dịch vụ đến tái sử dụng và tái chế vòng cuối của sản phẩm.
Do đó, một trong những cách để giảm thiểu chất thải bao bì nhựa sử dụng một lần là chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Nền kinh tế tuần hoàn nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người và cũng tạo ra các lợi ích kinh tế, nhưng với tác động tối thiểu đến môi trường.
Quản lý tài nguyên hiệu quả trong một nền kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra từ 9 đến 25 triệu việc làm. Các nhà đầu tư tư nhân có thể tiết kiệm 2,9 nghìn tỷ đô la mỗi năm vào năm 2030 do chi phí nguyên liệu thô thấp hơn, thúc đẩy việc làm và đổi mới.
Đại dịch COVID-19 không chỉ khiến nền kinh tế toàn cầu và cuộc sống hàng ngày bị đình trệ mà còn làm gián đoạn chuỗi xử lý rác thải, dẫn đến lượng rác thải y tế và rác thải nhựa tăng đáng kể. Điều này tạo cơ hội để xây dựng lại bằng cách sử dụng các mô hình bền vững hơn, tạo ra sinh kế xanh và có khả năng phục hồi, cũng như thúc đẩy đổi mới công nghệ.
Đổi mới công nghệ có thể giúp các doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn bao trùm nhanh hơn và hiệu quả hơn.
5 giải pháp để hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả
1. Tăng cường đầu tư vào hệ thống và cơ sở hạ tầng quản lý tổng hợp chất thải rắn hiệu quả.
2. Cải thiện các chính sách, quy định và cam kết của chính phủ về nền kinh tế tuần hoàn đối với đồ nhựa.
Chúng ta cần một môi trường thích hợp để thay đổi cách thiết kế, sử dụng và tái chế bao bì nhựa và các sản phẩm để thúc đẩy thị trường và xây dựng một nền kinh tế nhựa mới.
Ví dụ, Chính phủ Indonesia mới đây đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là giảm 70% chất thải nhựa đại dương vào năm 2025. Một trong 5 chiến lược trong Kế hoạch hành động về rác thải trên biển là thiết kế lại các sản phẩm nhựa và bao bì để tái sử dụng hoặc tái chế có giá trị cao.
Một trong những biện pháp như vậy là thành lập một chương trình hoặc viện thiết kế bao bì hàng đầu thế giới ở Indonesia, tập hợp lực lượng từ chính phủ, doanh nghiệp và học viện để đảm bảo rằng các thiết kế phù hợp với nhu cầu cụ thể của các hệ thống thu gom và tái chế chất thải.
3. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các bên liên quan và cam kết chuỗi giá trị để giải quyết ô nhiễm nhựa và thúc đẩy các hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn.
4. Cân nhắc lại các mô hình phân phối hiện tại và đầu tư vào các dự án đổi mới, thí điểm và làm mẫu.
Tại nhiều quốc gia ở Châu Á, vô số sản phẩm chăm sóc cá nhân và đồ dùng gia đình được đóng gói trong các bao bì sử dụng một lần. Ước tính có khoảng 163 triệu gói/vỏ bao bì sử dụng một lần bị vứt bỏ mỗi ngày ở Philippines.
Năm 2018, dự án “Giáo dục về rác thải biển để loại bỏ rác thải nhựa” (SWEEP) đã thí điểm hệ thống chiết rót tại 8 cửa hàng tiện lợi nhỏ ở Philippines. Các sản phẩm sinh hoạt trong gia đình như nước xả vải, dầu ăn, giấm và nước tương được đóng gói vào các thùng có thể tái chế hoặc tái sử dụng với khối lượng và giá cả tương tự như các sản phẩm đóng gói dùng một lần.
Chỉ trong 7 tháng, dự án mẫu này đã tránh được việc sử dụng và thải bỏ 45.000 sản phẩm nhựa.
5. Học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước.
Trong khi nền kinh tế tuần hoàn vẫn là mảnh đất chưa được khám phá đối với nhiều chính phủ và tổ chức, vẫn có những câu chuyện thành công và mô hình hoạt động để học hỏi.
Rác thải nhựa sử dụng một lần là một vấn đề lớn cần có những giải pháp lớn. Đổi mới công nghệ là động lực chính của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn cao quát, công bằng và dựa trên khoa học.
Chương trình Tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” được Ban tổ chức gồm đại diện Báo điện tử VTC News, Ban Quản lý Dự án về “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại Việt Nam - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) triển khai đã được đông đảo các nhà báo, cán bộ môi trường tham gia và đánh giá tích cực.
Nội dung đầy đủ của buổi tập huấn xin mời quý vị xem tại đây.