Theo các nhà sử học, V.Lenin chính là nhân vật lịch sử làm thay đổi hoàn toàn nước Nga. Cuộc đời hoạt động và học thuyết của V.Lenin có tầm ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Tuy nhiên, cho đến hôm nay, nhiều sự kiện trong cuộc đời của V.Lenin vẫn là bí ẩn.
Ba vụ ám sát hụt sau Cách mạng Tháng Mười
Có một điều đặc biệt là trong quá trình hoạt động cách mạng bí mật, Lenin chưa bao giờ bị đe dọa tới tính mạng. Nhưng sau khi chính quyền về tay Xô Viết, chỉ trong vòng 2 năm, Lenin đối diện với 3 vụ mưu sát.
Cụ thể, Lenin bị nhắm bắn vào ngày 1/1/1918, nhưng may mắn thoát hiểm trong gang tấc, vì đạn bay trượt.
Bức tranh "Vụ ám sát V.I.Lenin ngày 30/8/1918" của họa sỹ Mikhail Sokolov. (Ảnh: Sputnik)
Trong vụ ám sát tiếp theo cùng năm, Lenin không gặp may như lần đầu. Fanny Kaplan, một thành viên của Đảng Cách mạng Xã hội chủ nghĩa đã nổ súng bắn 3 phát nhằm vào Lenin, khi ông rời khỏi cuộc mít-tinh hôm 30/8.
Đạn bắn trúng vào khuỷu tay và cổ Lenin. Vết thương khá nặng. Tuy nhiên, Lenin nhanh chóng bình phục và trở lại làm việc sau 2 tháng chữa trị.
Lần mưu sát thứ 3 là vào tháng 9/1919, khi nhóm thành viên vô chính phủ phá hủy tòa nhà của Đảng Cộng sản ở Matxcơva, nơi Lenin sẽ đăng đàn phát biểu. Rất may là Lenin đến muộn và tiếng nổ vang rền tại tòa nhà xảy ra trước khi Lenin bước vào trong.
Có hơn 150 bí danh
Hoạt động cách mạng bí mật khiến Lenin trở thành mục tiêu săn đuổi của các cơ quan thực thi pháp luật, không chỉ dưới thời Sa hoàng mà cả trong thời gian lâm thời chuyển giao quyền lực sau Cách mạng tháng Hai (năm 1917).
Do đó, Lenin buộc phải sử dụng rất nhiều giấy tờ tuỳ thân giả, bí danh và bút danh, biệt hiệu để lẩn tránh sự truy bắt của chính quyền.
Giấy chứng nhận với họ tên người công nhân K.P.Ivanov mà V.I.Lenin sử dụng khi phải trốn tránh sự săn lùng đàn áp của Chính phủ lâm thời Nga năm 1917. (Ảnh: Sputnik)
Theo đánh giá chung, tổng cộng Lenin có khoảng 150 bí danh. Trong số đó, Lenin vẫn sử dụng tên thật là Vladimir Ulyanov.
Cho đến nay vẫn chưa được rõ về nguồn gốc về bí danh "Lenin". Tuy nhiên, có giả thuyết cho rằng, bí danh này bắt nguồn từ tên gọi dòng sông gần nơi Lenin sinh trưởng – sông Lena.
Ngoài ra, theo các tư liệu lịch sử, Lenin còn mang một biệt hiệu khác, mà các đồng chí trong Đảng Cộng sản hay dùng là "Starik" - "Ông già".
Chân dung Vladimir Ulyanov (tên thật của V.Lenin) năm 1891. (Ảnh: Sputnik)