Trận lũ lịch sử ngày 18/10 ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) nhấn chìm hàng vạn ngôi nhà. Hàng chục nghìn người kêu cứu trong đêm khi nước lũ dâng cao.
Chứng kiến cảnh đồng bào đăng thông tin kêu cứu ngập tràn trên mạng xã hội, những người dân miền biển Lệ Thủy như đứng ngồi không yên. Họ bàn bạc với nhau một việc trọng đại mà từ xưa đến giờ chưa bao giờ làm là đưa thuyền bơ nan đi biển vào tâm lũ cứu dân.
Xuyên đêm cứu người
Anh Võ Xuân Tuần (44 tuổi, thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy) nhớ lại: “Sáng 17/10, trời mưa to, lên mạng Facebook thấy dân đăng ảnh ngập nhà cửa, đến chiều hình ảnh dân kêu cứu tràn khắp mạng xã hội. Vợ chồng tôi thấy mà đứng ngồi không yên. Gọi mấy bạn đi biển bàn bạc, chúng tôi quyết định kéo thuyền vào để chở dân”.
‘Thuyền ở bãi cát, phải đẩy lên sát đường rồi mới gọi thuê xe đến chở. Tối hôm đó (17/10), có 4 thuyền vào bến xã Cam Thủy (huyện Lệ Thủy) để vận chuyển. Trời mưa, tối mịt mù, phải soi đèn pin chạy dò theo hàng cột điện trong đêm. Thấy đèn chúng tôi, dân gọi vọng ra cầu cứu nhiều lắm, 4 thuyền không thấm vào đâu. Tôi gọi về cho anh em nhanh đưa thêm thuyền vào không dân trôi hết” – anh Tuần nói.
Thuyền bơ nan của ngư dân vào chạy trong ruộng cứu nông dân.
Đến trưa 18/10, cả thôn Tân Hải huy động được 15 thuyền vào các xã: An Thủy, Phong Thủy, Mỹ Thủy, thị trấn Kiến Giang… thuộc huyện Lệ Thủy cứu dân.
Thấy đèn chúng tôi, dân gọi vọng ra cầu cứu nhiều lắm, 4 thuyền không thấm vào đâu.
Ngư dân Võ Xuân Tuần
Anh Ngô Công Tân (45 tuổi) chủ thuyền ở Tân Hải cho biết: “Đi biển quen rồi, nên vào chạy sông, thuyền chúng tôi chỉ chạy số, chứ không ga vì nước ngập vướng dây điện, cây cối, hàng rào, gỗ rác… Vào sát nhà dân, thuyền to không vào sát được, anh em nhảy xuống bơi vào dùng phao dìu từng người ra đưa lên thuyền. Mỗi chuyến, ngoài 5 thuyền viên, chúng tôi chở được từ 18 -20 người”.
Đạp sóng, thuyền bơ nan Ngư Thủy Bắc chạy hết công suất cứu dân, các thuyền viên cũng không nhớ là bao nhiêu chuyến. Mỗi ngày, một thuyền cứu được trên 100 người đến nơi an toàn.
Thuyền viên Võ Văn Cần (45 tuổi, thôn Tân Hải) kể: “Có những người bị thương nặng chúng tôi đưa thẳng đến bệnh viện, có những nơi chúng tôi phải đưa dân lên những nhà cao tầng gần nhất như trạm y tế, ủy ban xã để quay thuyền đi tiếp cho kịp thời”.
Tâm tư khi lũ đi qua
Nước rút, các anh đưa thuyền về, rất nhiều chiếc bị hư hỏng từ nhẹ đến nặng. Các ngư dân lại giúp nhau sửa thuyền để chờ ngày biển lặng ra khơi.
Chị Trần Thị Duyên (vợ anh Tuần) cho biết, khi chồng đi cứu hộ, chị và 2 con nhỏ ở nhà. Cứ thấy mọi người chạy cả đêm kéo thuyền lên xe tải mà xót xa. Ao cá lóc nuôi 7 tháng thì mưa làm 2 máy bơm bị cháy, nước tràn bờ nên bị thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Chị Duyên nhớ lại: “Chị em trong thôn quyên góp gạo, thực phẩm để tập trung nấu cơm đưa lên cho các gia đình vùng lũ. Ai có gì góp nấy, dân vùng biển phải đi mua gạo chứ không có tích trữ nhiều. Nhiều nhà quyên góp hết nên không còn gạo để mà ăn nữa. Mỗi ngày, cả xã chúng tôi làm được hơn cả nghìn suất cơm gửi lên đồng bào vùng lũ. Xong lũ, chúng tôi cũng chẳng còn gì”.
Ông Trần Quang Cả - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ngư Thủy Bắc cho biết, những ngày lũ đến các xã vùng trũng bị ngập trong biển nước, xã Ngư Thủy Bắc đã tổ chức vận động được 59 thuyền bơ nan đưa lên cứu hộ cứu nạn và hơn 1.500 suất cơm mỗi ngày để cứu trợ cho bà con ở vùng lũ đang đói rét.
Chiếc thuyền bơ nan bị hỏng, các ngư dân giúp nhau sửa chữa lại để chuẩn bị cho chuyến đi biển.
“Lúc đầu, ngư dân thuê xe tải chở thuyền đi cứu dân, nhưng sau đó các nhà xe cũng không lấy tiền nữa. Các hộ dân tự nguyện đưa thuyền, mua sắm vật tư, góp tiền của để giúp nhau trong hoạn nạn. Nay nhiều thuyền hư hỏng, họ cũng giúp nhau sửa chữa mà không hề đòi hỏi gì”, ông Cả nói.
Theo nhiều ngư dân xã Ngư Thủy Bắc, đây là lần đầu tiên họ đưa thuyền đi biển vào đồng ruộng, sông ngòi chạy lũ cứu dân. Và cũng là lần đầu tiên, những việc kiêng cữ với thuyền biển đã được xóa bỏ. Bởi từ lâu, ngư dân nơi đây thường không chở phụ nữ có thai, phụ nữ mới sinh…
Dù làm được việc có ý nghĩa, nhưng anh Ngô Công Tân đượm buồn: “Chúng tôi chẳng nghĩ ngợi gì mà cứ thế là tập trung cứu được càng nhiều người càng tốt không hề so đo, tính toán gì. Thế nhưng, có người nói thuyền nan chúng tôi chạy gây sóng lớn làm sập nhà dân là không đúng sự thật, không đúng bản chất sự việc”.