Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều doanh nghiệp thuộc ‘siêu ủy ban’ lỗ nặng vì COVID-19

(VTC News) -

Vietnam Airlines, ACV, PVN, Vinachem, Vinalines… gặp khó khăn vì COVID-19, thậm chí nhiều doanh nghiệp không cân đối được thu chi và lỗ nặng.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) vừa tổ chức hội nghị công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của các tập đoàn, tổng công ty. Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban, dịch COVID-19 bùng phát từ đầu 2020 và tái bùng phát vào tháng 7/2020 ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư trong năm 2020 của các doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp không đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ nặng nề.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh yêu cầu các doanh nghiệp phân tích, lựa chọn phương án tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch phù hợp cho năm 2021.

Trước tình hình đó, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Ủy ban đã tổ chức làm việc với các tập đoàn, tổng công ty để nắm bắt tình hình, lắng nghe các đề xuất, kiến nghị và chỉ đạo giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho năm 2020.

Đến thời điểm này, Ủy ban đã và đang phối hợp cùng các doanh nghiệp trực thuộc tiến hành đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm 2020 và xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021.

“Việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 cần phải tính toán kỹ lưỡng để phù hợp tình hình thực tiễn, có tính khả thi; đồng thời bảo đảm phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế đất nước”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Để có cơ sở chỉ đạo việc lập, phê duyệt kế hoạch năm 2021, lãnh đạo Ủy ban đề nghị các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị thuộc Ủy ban tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề trọng tâm liên quan tới công tác đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện; các giải pháp và bài học kinh nghiệm.

Đồng thời, các đại biểu cần đánh giá về thuận lợi, khó khăn, dự báo các vấn đề phát sinh, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xác định các kịch bản phù hợp, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp và các giải pháp thực hiện cho năm 2021.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2020 do dịch COVID-19 và lũ miền Trung nên nhu cầu dùng điện giảm thấp nên EVN kiến nghị Ủy ban cho điều chỉnh kế hoạch sản lượng điện thương phẩm, sản lượng điện bán ở công ty mẹ và kế hoạch tiền lương của công ty mẹ.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ chấp thuận bảo lãnh thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư. Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Bộ Tài chính ưu tiên nguồn vốn ODA và vốn vay nước ngoài. Thực tế là nguồn vốn ODA đang gặp khó khăn trong giải ngân. Trong khi đó, nguồn vốn ODA và nguồn vốn nước ngoài đang rất rẻ nhưng thủ tục tiếp cận rất khó khăn.

Hỗ trợ EVN làm việc với các địa phương thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng để tạo điều bằng cho EVNNPT và các tổng công ty điện lực đẩy nhanh tiến độ các công trình đấu nối các nguồn mới vào hệ thống điện quốc gia

Tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang cho biết Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu nhiều tác động nhất từ dịch COVID-19. Dù đơn vị đã tìm nhiều giải pháp để tăng doanh thu và giảm chi phí nhưng thực tế đơn vị vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

“Năm 2021, dự báo thị trường hàng không quốc tế vẫn chưa phục hồi mà doanh thu chủ yếu của đơn vị là từ các tuyến bay quốc tế. Thị trường nội địa dự kiến năm 2021 vẫn lỗ do giá bán thấp vì nguồn cung thừa do các hãng hàng không đều tập trung vào thị trường này”, đại diện Vietnam Airlines cho hay.

Từ đó, Vietnam Airlines kiến nghị Ủy ban phối hợp chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sớm có sự phối hợp để tăng vốn điều lệ cho Vietnam Airlines. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian hỗ trợ ngành hàng không đến hết ngày 31/12/2021 ở những mục như giảm giá cất hạ cánh, giá điều hành bay nội địa, thuế môi trường với xăng dầu hàng không.

Tương tự, đại diện nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp này đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời xây dựng các kịch bản sản xuất, kinh doanh theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh để kịp thời ứng phó, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, đảm bảo sức khỏe, công việc cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội, đặc biệt là các đơn vị tại vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.

Đại diện các tập đoàn, tổng công ty cũng đưa ra những đề xuất liên quan tới các tiêu chí xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021, tiêu chí đánh giá doanh nghiệp cùng những kiến nghị giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đánh giá cao nỗ lực của các tập đoàn, tổng công ty trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020. Lãnh đạo Ủy ban nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp đã có các sáng kiến cơ cấu lại nguồn nguyên liệu, cơ cấu sản phẩm, thị trường tiêu thụ, không để đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh và có giải pháp khôi phục ngay được sản xuất khi dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, hạn chế thấp nhất được các ảnh hưởng của dịch bệnh tới kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021, ông Cảnh đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm 2020, làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, đưa ra các bài học kinh nghiệm cho năm 2021.

“Các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao công tác dự báo tình hình trong nước và quốc tế có thể xảy ra trong năm 2021, phân tích, lựa chọn phương án tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 phù hợp với quy định, bảo đảm tính khả thi, thể hiện được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong ngành và cả nền kinh tế”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Cảnh lưu ý các tập đoàn, tổng công ty cần rà soát, cân đối nguồn lực đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư, tập trung thực hiện các dự án dở dang, các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2021.

Đối với các dự án đã hoàn thành, các doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán, kiểm toán theo quy định. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, thực hiện đầu tư khi có đủ các điều kiện, phù hợp với quy định pháp luật.

Hòa Bình

Tin mới