Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý III/2022 vẫn chưa được cải thiện, lượng nhà ở từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở mới trong quý chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang mở bán.
Cụ thể, số lượng nhà ở thương mại hoàn thành là 17 dự án với 4.123 căn, bằng khoảng 71% so với quý II/2022 và 34% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng là 1.148 dự án với 324.511 căn và số lượng được cấp phép mới là 36 dự án với 24.324 căn.
Nguồn cung nhà ở thương mại quý III/2022 vẫn khan hiếm, khiến giá cả giữ ở mức cao. (Ảnh minh họa)
Về giá cả, giá giao dịch căn hộ chung cư cơ bản ổn định so với quý trước, tuy nhiên vẫn neo ở mức cao, khi không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 ở tại khu vực trung tâm của các đô thị. Với mức giá này, khách hàng chỉ có thể mua căn hộ tại một số ít dự án xa trung tâm như quận, huyện.
Ví dụ: Tại Hà Nội là dự án Rainbow Building (quận Hà Đông) giá 24 triệu đồng/m2, Hanoi Homeland (quận Long Biên) giá 26 triệu đồng/m2...Tại TP.HCM, dự án Diyas Sky (quận Tân Bình) có giá khoảng 30 triệu đồng/m2, HQC Hóc Môn (huyện Hóc Môn) giá khoảng 21 triệu đồng/m2. Tại Đà Nẵng, dự án The Ori Garden (quận Liên Chiểu) có giá khoảng 25 triệu đồng/m2...
Trong khi đó, phân khúc căn hộ chung cư trung cấp (có mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2) đang là sản phẩm chủ đạo trên thị trường bất động sản.
Ở phân khúc căn hộ cao cấp (có mức giá trên 50 triệu đồng), Bộ Xây dựng điểm danh một số dự án có vị trí đặc biệt, đang được quảng cáo, chào bán rất cao như dự án Golden Westlake (quận Tây Hồ, Hà Nội) có giá khoảng hơn 100 triệu đồng/m2, dự án Xi Riverview Palace (quận 2, TP.HCM) có giá khoảng 150 triệu đồng/m2, dự án The 6Nature Đà Nẵng (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) có giá khoảng 100 triệu đồng/m2…
Bộ Xây dựng đánh giá việc nguồn cung về nhà ở thương mại chưa cải thiện, căn hộ giá rẻ hầu như không ghi nhận hoạt động mở bán mới trong quý được coi là một trong những bất cập, khiến thị trường bất động sản chưa thực sự lành mạnh, bền vững. Bộ này dự báo nhà ở sẽ còn tiếp tục khan hàng do lượng dự án được mở mới giảm so với các năm trước, trong khi nhiều dự án đã được chấp thuận gặp vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý (đặc biệt là việc giao đất, tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng…).
Một bất cập nữa trên thị trường bất động sản hiện nay là giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn giữ ở mức cao đã được thiết lập từ cuối quý II/2022 ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường, đặc biệt là thị trường thứ cấp.
Ngoài ra, trong quý III/2022, các nguồn vốn bao gồm nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu dành cho lĩnh vực bất động sản đều gặp khó khăn, giảm so với các quý trước. Một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có sai phạm trong hoạt động huy động vốn, trái phiếu, cổ phiếu đã bị xử lý gây ảnh hưởng đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/8/2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 777.235 tỷ (tính đến 30/6/2022 là 784.575 tỷ).
Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu phát hành khoảng 323.000 tỷ đồng, trong đó đối với nhóm Bất động sản thì giá trị phát hành là khoảng 93.000 tỷ đồng, chiếm 28,87% tổng giá trị phát hành trái phiếu.