Tục dâng sao giải hạn có nguồn gốc Trung Quốc, xuất phát từ quan niệm mỗi năm, con người sẽ ứng với một sao chủ trong 9 ngôi sao cửu diệu. Cuộc đời con người phải trải qua các sao Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hán, Thủy Diệu. Trong đó, Thái Dương, Thái Âm là những sao tốt, còn La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là những sao xấu, được cho là sẽ làm hại đến sức khỏe, tiền tài, vận mệnh con người.
Nhằm hóa giải những sao chiếu mệnh xấu, nhiều người làm lễ dâng sao giải hạn để xua đi những điều xui xẻo, tồi tệ và đón nhận may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Lễ này thường được làm đầu năm, trước rằm tháng Giêng. Vào dịp này, nhiều ngôi chùa đông nghẹt người đến dâng lễ cúng sao. Ở Hà Nội, chùa Phúc Khánh là một trong những địa điểm cúng sao giải hạn nổi tiếng nhất. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, vào ngày cúng sao, người dân kéo đến đông đến nỗi chật kín cả đoạn đường phía ngoài, ngồi đứng la liệt hướng về phía chùa.
Cảnh biển người chen lấn trên đường dự lễ cúng sao giải hạn chùa Phúc Khánh, Hà Nội.
Cho đến nay, chưa một nhà thiên văn học nào chứng minh có sự xuất hiện của 9 ngôi sao ấy trên bầu trời, vì thế dâng sao giải hạn chỉ là nghi lễ tâm linh nhằm đem lại sự an tâm. Nhiều người cho biết, họ tham gia nghi lễ này vì làm theo người khác hoặc không thực sự tin nhưng thấy người khác mách thì cũng làm cho yên tâm. Nhiều người khác cho biết họ chỉ đi lễ chùa cầu an đầu năm như một nghi thức văn hóa tâm linh chứ không giải hạn, cũng không quan tâm đến chuyện sao tốt, sao xấu. "Tôi nghĩ trong đời người, chuyện may mắn và rủi ro luôn song hành, năm nào cũng có. Nếu có rắc rối, khó khăn xảy ra thì tôi tìm cách giải quyết nó chứ không tin chuyện giải hạn bằng cúng sao", chị Minh Hà ở Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ.
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng ban hành văn bản cho biết việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho mọi người là việc làm có ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống; còn nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên.