Bốn tháng trước, cô gái 25 tuổi xuất hiện triệu chứng ngứa chân, tay, lúc đầu chỉ vùng nhỏ, sau đó lan toàn cơ thể. Nghĩ bị bệnh về da cô đến bệnh viện da liễu khám và dùng thuốc, nhưng vẫn không hết ngứa.
Nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng cô gái tìm đến bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét -Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) thăm khám. Kết quả xét cho thấy chỉ số bạch cầu của cô gái tăng cao và dương tính giun đũa chó mèo.
Cô cho biết, nhà nuôi một con chó cùng hai con mèo, cô thường xuyên ôm hôn và ngủ cùng thú cưng của mình.
Nhiễm giun đũa chó mèo từ thói quen ôm, hôn thú cưng. (Ảnh minh họa)
PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) thông tin, nguyên nhân nhiễm bệnh chủ yếu từ việc nuôi thú cưng, xử lý phân chó mèo không sạch.
Khi chó mèo bị nhiễm giun đũa, trứng sẽ phát triển rồi phóng thích ra môi trường thông qua phân của động vật. Quá trình sinh hoạt trứng giun theo đó xâm nhập vào cơ thể con người.
Vào cơ thể, chúng di chuyển đến ruột, sau đó thoát vỏ thành ấu trùng xuyên qua thành ruột và theo đường máu đến các cơ quan. Trong đó, bộ phận dễ gặp ấu trùng là gan, gây ra những tổn thương áp xe ở gan, hoặc ấu trùng đi vào phổi, não gây hiện tượng dị ứng kéo dài.
“70 - 90% người nhiễm giun đũa chó mèo có biểu hiện ngứa hoặc phát ban ngoài da. Nhiều người lầm tưởng đi khám khắp các bệnh viện da liễu nhưng không tìm ra được nguyên nhân bệnh”, PGS Dũng cho hay.
Theo ông Dũng, một con giun đũa có thể ăn rất nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm tinh bột, sắt, kali…khi bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo có thể dẫn đến tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí tuệ, thiếu hụt kali.
Để phòng tránh giun đũa chó mèo, bác sĩ khuyến cáo người dân cần vệ sinh cá nhân, quản lý môi trường, vệ sinh sạch sẽ giường, chiếu. Với trẻ cần đặc biệt lưu ý về vệ sinh trường học, đồ chơi cho trẻ.
Không nên ôm chó, mèo ngủ hay có hành động hôn thơm thú cưng. Nên tẩy giun cho cả người và vật nuôi 6 tháng một lần.