Vấn đề này được Chính phủ đề cập trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng.
Nâng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7
Báo cáo cho biết, cử tri kiến nghị tiền lương hiện nay của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Đồng thời đề nghị xem xét thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản và điều chỉnh chế độ chính sách tiền lương tương ứng với mức giá các dịch vụ sinh hoạt.
Về vấn đề trên, theo Chính phủ, từ năm 2020 đến nay do tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 nên chưa có đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo yêu cầu của Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII; đồng thời cũng chưa điều chỉnh tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Điều đó dẫn đến đời sống của người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua việc nâng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 1/7/2023 cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Tại kỳ họp thứ 4, đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó nêu rõ từ ngày 1/7 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.
Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, cống hiến.
Liên quan mức lương cơ sở, tại họp báo Chính phủ vào chiều 5/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết bộ xây dựng nghị định, lấy ý kiến các bộ ngành, người dân và trong tháng 4/2023 đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tiếp thu, giải trình và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5 này để ngày 1/7 thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết nguồn lực dành cho tăng lương đã được Chính phủ bố trí đủ hơn 59.000 tỷ đồng cho tăng lương cơ sở trong 6 tháng cuối năm nay.
Hỗ trợ cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết cử tri phản ánh tình trạng dôi dư cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và nhiều trụ sở cơ quan hành chính bỏ không do tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý hơn với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp; đồng thời có hình thức hỗ trợ, phân bổ nguồn lực cho các địa phương để thực hiện công tác này.
Chính phủ nhấn mạnh, tại Điều 10 Nghị quyết số 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định rõ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện theo quy định của Chính phủ (về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về chế độ thôi việc; về chính sách tinh giản biên chế và các chính sách khác).
Ngoài các quy định của Chính phủ, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cho phù hợp. Trường hợp không thể bố trí, sắp xếp thì địa phương có báo cáo cụ thể về để Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết, hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trên cơ sở kết quả tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và căn cứ chủ trương tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng “Đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã”, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và cử tri để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.