Hôm 17/7, các nhân viên cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những người sống sót ở miền Tây nước Đức khi mực nước vẫn đang cao, nhấn chìm nhiều thị trấn.
Hàng loạt ngôi nhà bị sập trong thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất nửa thế kỷ qua ở quốc gia Trung Âu này. 90 trong tổng số 133 người thiệt mạng trong trận lũ lụt vừa qua ở Đức tới từ vùng Ahrweiler, phía nam Cologne.
Khoảng 700 cư dân được sơ tán vào cuối ngày 16/7 sau khi một con đập bị vỡ ở thị trấn Wassenberg gần Cologne.
Lũ lụt tấn công một thị trấn ở Đức. (Ảnh: DPA)
Trong nhiều ngày qua, lũ lụt, chủ yếu tấn công các bang Rhineland Palatinate và North Rhine-Westphalia khiến toàn bộ nguồn điện tại các bang này bị cắt, làm gián đoạn thông tin liên lạc.
Lũ lụt cũng xảy ra ở Bỉ và Hà Lan.
Ít nhất 20 người thiệt mạng khi nước lũ dâng cao tại nhiều khu vực ở Bỉ trong những ngày qua. Tại vùng Pepinster, khoảng 10 ngôi nhà bị sập sau khi nước sông Vesdre dâng cao, tràn vào thị trấn.
Trong bối cảnh hầu hết các thành phố phía nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt lũ lịch sử này, Bỉ phải kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của Liên minh châu Âu, theo đó cho phép kêu gọi các quốc gia khác hỗ trợ cụ thể về thiết bị, nhân sự…
Tại Hà Lan, hàng nghìn người sống ở tỉnh Limburg, giáp biên giới với Đức và Bỉ phải sơ tán sau khi nước lũ tràn bờ, phá vỡ một con đập và làm ngập nhiều con phố. Một thị trấn nhỏ trong vùng là Meerssen phải kêu gọi dân chúng bỏ nhà cửa tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.
Chiều 16/7, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia tại tỉnh Limburg và huy động hàng trăm nhân viên cứu trợ đến giúp đỡ người dân tỉnh này. Quân đội Hà Lan cũng được điều động để vá một con đập bị vỡ trong vùng.
Người phát ngôn của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), bà Clare Nullis thừa nhận, châu Âu rất khó đối phó với tình huống thời tiết cực đoan hiếm thấy như vừa qua.
“Châu Âu hầu hết đã được chuẩn bị nhưng khi gặp phải các tình huống cực đoan như hiện nay, khi mà lượng mưa tương đương 2 tháng đổ xuống chỉ trong vòng 2 ngày thì cực kỳ khó đối phó”, bà Clare Nullis cho hay.