Theo kết quả quan trắc tại 35 trạm trên địa bàn TP Hà Nội, từ đêm 1/9 đến trưa 2/9, nồng độ bụi có xu hướng tăng cao về đêm và sáng sớm, chất lượng không khí chủ yếu ở mức “Trung bình” và “Kém”. Một số địa điểm chạm ngưỡng “Xấu” (mức cảnh báo 4/6) vào lúc 5h ngày 2/9.
Đến trưa, dưới ánh nắng gay gắt thì chất lượng không khí vẫn giữ ở mức “Trung bình” và “Kém”, nồng độ chất ô nhiễm có giảm nhưng không đáng kể so với thời điểm ô nhiễm cao lúc sáng sớm.
Theo Chi cục Môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội). từ đêm 1/9 cho đến rạng sáng 2/9, nhiệt độ giảm mạnh (chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khoảng 9 ~ 10 độ C), hình thành lớp sương mù tầm thấp bao phủ toàn thành phố, gây bất lợi cho việc khuếch tán các chất ô nhiễm khiến nồng độ các chất ô nhiễm gia tăng, tích tụ trong lớp khí quyển sát mặt đất.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) lúc 10h ngày 2/9.
Ngoài ra, tốc độ gió, dao động trong khoảng 0 – 1.7 m/s làm giảm khả năng khuấy trộn của khối khí. Nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao trong khoảng thời gian này, từ 5h – 6h sáng, AQI dao động trong khoảng 26 - 155, trong đó 4/35 trạm AQI chạm ngưỡng “Xấu”, AQI cao nhất là trạm giao thông Minh Khai vào lúc 6h sáng.
Sau đó bắt đầu giảm, đến 10h, chỉ còn 1/35 trạm chạm ngưỡng “Xấu”. Chất lượng không khí có xu hướng được cải thiện về trưa, khi có nắng, nhiệt độ không khí tăng giúp tăng khả năng đối lưu, khuếch tán chất ô nhiễm.
“Tuy nhiên, dịp nghỉ lễ Quốc khánh ngày 2/9, các hoạt động đi lại, vui chơi, ăn uống gia tăng với mật độ cao, đồng thời trùng với ngày lễ Rằm tháng 7, người dân đốt vàng mã, khiến nồng độ chất ô nhiễm vẫn cao và giảm không đáng kể tại một số khu vực”, Chi cục Môi trường Hà Nội nhấn mạnh.
Trong tình trạng không khí và dịch bệnh như hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra ngoài tại các khu vực có chất lượng không khí không đảm bảo, nếu bắt buộc ra ngoài, nên trang bị khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn.
Nhóm người nhạy cảm (người già, trẻ em và những người mắc bệnh về hô hấp) cần hạn chế ra ngoài trong khoảng thời gian này. Đặc biệt người dân cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch do Bộ Y tế và Chính phủ khuyến cáo. Người dân cần thường xuyên theo dõi chất lượng không khí tại Cổng thông tin quan trắc môi trường của thành phố.
Để cải thiện chất lượng không khí thành phố Hà Nội cần sự chung tay của cả cộng đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị người dân thực hiện tốt Chỉ thị 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND Thành phố về các biện pháp khắc phục ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, người dân không sử dụng bếp than tổ ong và đốt các nhiên liệu than cấp thấp (đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại trừ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố Hà Nội trước 31/12/2020); cam kết không đốt rác bừa bãi; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; hạn chế đốt hương, vàng mã.
Các phương tiện chở vật liệu xây dựng, phế thải phải có biện pháp che chắn không gây ô nhiễm môi trường, không chở quá tải; tất cả các xe trọng tải từ 1,5 tấn trở lên chỉ được đi vào thành phố từ vành đai 3 trở vào từ 22h đến 6h sáng hôm sau.