Tại ĐHĐCĐ bất thường của tập đoàn Hoa Sen được tổ chức ngày 06/09/2016, cổ đông đã thống nhất biểu quyết thông qua chủ trương triển khai đầu tư dự án Cà Ná tại hai xã Cà Ná và Phước Diêm thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thận. Công suất thiết kế đạt 6 triệu tấn/năm, tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017 đến năm 2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm.
Góp 14 tỷ đồng vào 5 doanh nghiệp
Ngay khi một số thông tin của dự án được tiết lộ, dự án Cà Ná đã khiến dư luận phân hóa thành hai chiều, trong đó có những quan điểm ủng hộ việc phát triển đầu tư xây dựng dự án để góp phần tạo vị thế cho ngành công nghiệp của cả nước.
Tuy nhiên, phần lớn đều bày tỏ quan ngại về các tác động ảnh hưởng đến môi trường nước, môi trường biển tại khu vực cảng Cà Ná, Ninh Thuận, đặc biệt trong bối cảnh sự cố môi trường xảy ra tại Formosa Hà Tĩnh để lại nhiều hệ lụy.
Trước những băn khoăn của cổ đông, chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen – ông Lê Phước Vũ cho biết: “Hàng trăm tổ hợp thép nằm giữa thành phố có ai nói gì đâu? Như tổ hợp thép giữa thành phố Amsterdam, tổ hợp thép của Đức, mà châu Âu người ta còn khó, còn kỹ thế nào? Chỉ sau khi có sự cố Formosa thì bắt đầu lớn chuyện”.
Thậm chí ông Lê Phước Vũ còn khẳng định “ngu gì không làm thép". Phát ngôn của ông Vũ đã dấy lên nhiều tranh cãi như phát biểu gây sốc “chọn cá hay chọn thép” của ông Chu Xuân Phàm khi còn là trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội.
Trước khi đại hội diễn ra, ngày 2/8/2016, tập đoàn Hoa Sen đã thành lập 5 pháp nhân gồm Công ty TNHH MTV Đầu tư liên hợp luyện cá thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (HSIC) có vốn điều lệ 100 tỷ đồng do ông Lê Phước Vũ làm chủ tịch và 4 công ty khác là công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng KCN Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (HSIP - vốn 50 tỷ), công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (HSSP - vốn 50 tỷ), công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná Ninh Thuận (HSRE - 20 tỷ), công ty TNHH MTV Xi măng Hoa Sen Cà Ná Ninh Thuận (HSCC - 30 tỷ) do Tổng giám đốc Trần Ngọc Chu làm chủ tịch.
5 doanh nghiệp này trực thuộc tổ hợp dự án Cà Ná, trực tiếp tham gia việc triển khai, thực hiện đầu tư của tập đoàn tại đây.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý I niên độ 2016-2017 do Tập đoàn Hoa Sen công bố, tập đoàn mới chỉ góp 11 tỷ vào HSIC và 3 tỷ đồng vào HSIP, các công ty còn lại chưa được góp vốn.
Với việc “đêm nằm cũng mơ về Cà Ná”, ông Lê Phước Vũ được giao là người trực tiếp đưa ra những chiến lược, định hướng Ban Xúc tiến Đầu tư dự án Khu Liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Còn Tổng giám đốc Trần Ngọc Chu trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động các dự án thành phần.
Cổ đông tập đoàn Hoa Sen cũng đồng ý ủy quyền cho HĐQT Hoa Sen điều chỉnh cơ cấu, tổ chức, quản lý của Tập đoàn và sử dụng các công cụ nợ để phục vụ cho việc triển khai dự án.
Nằm trong kế hoạch đầu tư dài hạn của tập đoàn Hoa Sen, tổng công suất thiết kế của Tổ hợp dự án Cà Ná sẽ đạt 6 triệu tấn/năm, triển khai làm 2 giai đoạn trong vòng 5 năm từ năm 2017 đến năm 2022.
Với tổng mức đầu tư lên tới 10,6 tỷ USD, tập đoàn Hoa Sen chỉ đóng góp 15% vốn đầu tư cho dự án này (hiện vốn điều lệ của tập đoàn là 1.965 tỷ, tổng vốn chủ sở hữu là 4.600 tỷ tại ngày 31/12/2016) , phần còn lại sẽ đi vay.
Cũng theo báo cáo tài chính do Hoa Sen công bố, danh mục “chủ nợ” của khoản vay lên tới 8.000 tỷ đồng của tập đoàn là hàng loạt ngân hàng từ nội đến ngoại, từ quốc doanh đến ngoài quốc doanh như cả quốc doanh và nửa quốc doanh, như HSBC, ANZ, Standard Chartered Bank, UOB, Vietcombank, BIDV, Agribank, ACB, MBBank....
Thủ tướng chỉ đạo dừng dự án Cà Ná
Mới đây, văn phòng Chính Phủ đã có thông báo kết luận chính thức của Thủ tướng về “số phận” của dự án thép Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư.
Video: "Nếu Formosa lặp lại sai phạm sẽ đóng cửa"
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận nỗ lực kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Thuận, Bộ Công Thương để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh này, song nhận thấy dự án thép Cà Ná mới dừng ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị dự án còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án này để làm rõ một số vấn đề.
Đầu tiên cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu của thị trường thép trong nước và trên thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu để xác định quy mô, công suất và thời điểm hợp lý mới phát triển dự án.
Bên cạnh đó, cần phải đánh giá kỹ về vấn đề môi trường, công nghệ và thiết bị của dự án. Đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, đảm bảo dự án an toàn, không để xảy ra sự cố như vụ việc Formosa trước đó.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu phải xác định tổng mức vốn đầu tư tổng thể, trong đó, tính đến cả cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ. Đồng thời, cần phải xác định rõ nguồn nguyên liệu cho dự án.
“Đây là dự án công nghiệp nặng luyện cán thép được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa nên rất nhạy cảm, vì vậy bước nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cần làm kỹ các nội dung trên ở mức nghiên cứu khả thi dự án”, Thủ tướng nêu ý kiến trong văn bản phát đi.