Giá ổn định, hàng đa dạng, siêu thị "hút" khách
Mới 8 giờ sáng, nhưng tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã rất đông người đến mua hàng. Nhất là tại khu vực bán bánh mứt, nước giải khát, thực phẩm đông lạnh và tại khu quần áo người mua hàng phải lách qua nhau để chọn hàng.
Tương tự như vậy, tại Co.opmart Định Tiên Hoàng Q.Bình Thạnh, Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 và Maximark Cộng Hòa, Q.Tân Bình, người mua tiêu dùng phải nhích từng chút một gửi xe để vào mua hàng. Tình trạng “quá tải” như trên nên doanh thu của một số siêu thị lớn trên địa bàn TP.HCM trong những ngày cuối năm đã tăng 60% - 75% so với ngày thường, riêng hệ thống Co.opmart tăng đến trên 80%.
|
Siêu thị quá tải những ngày cuối năm |
Chị Anh Thiên, nhà ở Phú Nhuận cho biết “những ngày giáp Tết thế này đi mua hàng tại siêu thị rất cực và tốn khá nhiều thời gian vì cứ phải luồn lách để mua hàng và phải chờ “dài cổ” mới đến phiên mình được tính tiền. Thế nhưng tôi vẫn thích đến siêu thị mua sắm, vì tại đây các mặt hàng được đóng gói cẩn thận, có nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng…”.
Một lãnh đạo của siêu Maximark Cộng Hòa cho biết, để phục vụ cho những ngày tết, nhiều khách hàng đã tranh thủ đi sắp tết từ giữa tháng, nhưng lúc đó, người tiêu dùng chủ yếu mua quà biếu và quà tặng. Sau ngày 23 tháng chạp thì lượng người tiêu dùng đến rất đông, lúc này, lượng hàng siêu thị xuất ra chủ yếu là các mặt hàng phục vụ cho ngày tết.
Với số lượng bán ra như vậy nên so với tết Nhâm Thìn năm 2012, năm nay, lượng hàng tiêu dùng bán ra tại siêu thị này đã tăng lên đến 50%. Và để giảm tình trạng “quá tải”, các siêu thị tại thành phố đã chủ động tăng quầy tính tiền, nhân viên thu ngân, bãi giữ xe và đội ngũ nhân viên giao hàng... Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết, các siêu thị tại thành phố sẽ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm để phục vụ khánh hàng.
Trao đổi với PV VTC News, đại diện siêu thị Big C Thăng Long cho biết, từ thứ 7 đến nay (5/2), sức mua tại siêu thị lên rất nhanh. Tính trung bình mã lực các mặt hàng tại siêu thị năm nay đã tăng 15-20% so với năm ngoái. Siêu thị phải mở cửa từ 7h sáng đến khoảng 11h đêm.
"Giá cả tại siêu thị hiện vẫn được giữ ổn định, các mặt hàng phong phú và là đồ thiết yếu nên sức mua không hề yếu hơn năm trước. Tuy nhiên, nếu mọi năm, khách đi siêu thị thích gì mua nấy, thấy hàng lạ, mẫu mã đẹp là mua thì năm nay họ cân nhắc, chọn lựa rất kĩ. Giỏ hàng gần như chỉ là các mặt hàng thiết yếu", lãnh đạo Big C Thăng Long chia sẻ.
|
Kinh t ế kh ó kh ăn, g iỏ h àng c ủa ngư ời ti êu d ùng ch ủ y ếu l à c ác m ặt h àng nhu thi ết y ếu ( Ảnh B ửu L ân ) |
Tương tự, ông Dũng, Giám đốc Coopmart Hà Nội cho biết, mã lực hàng hóa tại siêu thị năm nay vẫn tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo bà Hậu, Phó Giám đốc siêu thị Fivimart thì cho hay, sức mua tại siêu thị hiện vẫn đang tăng theo từng ngày cận Tết, năm nay siêu thị dự kiến mức tăng trưởng vào khoảng 25 - 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sở dĩ siêu thị "tự tin" với mức tăng cao như vậy theo bà Hậu là do hàng hóa siêu thị đảm bảo về chất lượng và hệ thống mua sắm thông minh. Đặc biệt, các mặt hàng Tết thường là bánh kẹo, mứt Tết, nước giải khát, thực phẩm...nên sức mua vẫn rất cao.
Chợ vắng kháchNgược lại, tại các chợ ở TP.HCM, người tiêu dùng đến mua hàng vẫn không đông hơn so với ngày thường.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại chợ Bến Thành, Q.1, chợ An Đông, Q.5, chợ Bình Tây (quận 6), chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, chợ Phạm Văn Hai và chợ Hạnh Thông Tây, Q.Gò Vấp…lượng hàng bán ra chủ yếu là quần áo. Còn các mặt hàng banh kẹo, mứt, hoa quả, thực phẩm…người bán thì đông nhưng người mua lại thưa thớt.
|
Mặc dù đã 24 tháng Chạp ÂL, nhưng lượng người mua đến chợ Hàn ( Đ à N ẵng ) khá vắng
( Ảnh B ửu L ân )
|
Mặc dù vậy, so với ngày thường giá các mặt hàng ở chợ vẫn tăng khoảng từ 10 - 20% nhất là các mặt hàng khô như tôm khô, mực khô, trái cây có giá cao hơn so với ngày thường khoảng từ 3.000 - 10.000 đồng/kg.
Tương tự, ghi nhận tại một số khu chợ Đà Nẵng ngày 4/2, sức mua năm nay của người dân khá yếu, các tiêu thương tỏ ra khá lo lắng với tình hình này.
Theo các tiểu thương, năm nay các mặt hàng ở chợ được bày bán rất đa dạng, giá cả không tăng nhiều so với mọi năm, nhưng lượng người đến mua sắm hàng Tết rất vắng, chưa nhộn nhịp.
Chị Hiền, bán hàng bánh kẹo tại chợ Hàn, một trong những chợ trung tâm Đà Nẵng cho biết: “Năm nay ế ẩm quá, 24 Tết rồi mà người mua chỉ lưa thưa thế này đây. Kinh tế khó khăn nên người mua đã ít mà khi đi mua thì rất dè dặt. Không biết rồi có bán hết được không. Em lo quá, không dám lấy hàng nhiều, mỗi thứ chỉ vài kg mà xem chừng khó bán hết. Nếu so với năm ngoái thì sức mua giảm hơn rất nhiều, thậm chỉ bằng phân nửa”.
Tại các chợ khác như Chợ Cồn, Hòa Cường, chợ Bắc Mỹ An, An Hải Đông… cũng không khác là mấy.
Chị Hằng, công nhân tại khu công nghiệp An Đồn (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: “Kinh tế khó khăn, thưởng Tết không ra gì nên chuyện người dân ít mua sắm là chuyện bình thường. Số tiền mua sắm này là tiền tàu xe để giành về quê, nhưng do thưởng thấp quá, cả nhà thông nhất, thôi không về nên mới có tiền mua sắm.
Hôm nay được nghỉ ca nên tranh thủ đi mua, hàng hóa thì không đắt lắm, đa dạng, nhưng không có tiền nên chỉ sắm vừa đủ thôi. Kinh tế khó khăn nên giảm bớt chi tiêu, cái gì cũng cắt giảm và thật cần thiết”.
Được biết, TP Đà Nẵng đã có nhiều chương trình bình ổn giá để người dân vui Tết, nhưng sức mua của người dân vẫn cầm chừng.
Nhóm PV