Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giám đốc Công ty Bia Heineken: Chi phí cho '3 tại chỗ' rất lớn, mất gần 100 tỷ

(VTC News) -

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam-Đà Nẵng, chi phí cho “3 tại chỗ” rất lớn, nếu duy trì đến cuối năm, công ty phải chi cả 100 tỷ đồng.

Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam-Đà Nẵng chia sẻ tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 24/9.

Theo ông Nguyễn Thanh Phúc, mô hình “3 tại chỗ” cũng như các biện pháp hạn chế đi lại như hiện nay không bền vững, cần thay đổi.

Hiện công ty này thực hiện “3 tại chỗ” theo quy định của UBND TP Đà Nẵng với gần 1.000 nhân viên, tại 6 nhà máy để duy trì chuỗi hoạt động sản xuất nên gặp nhiều khó khăn vì chi phí phải bỏ ra rất lớn.

Chi phí cho việc '3 tại chỗ' rất cao. Nếu tiếp tục duy trì, dự báo đến cuối năm nay, công ty sẽ phải chi ra 100 tỷ đồng. Tôi kiến nghị bỏ '3 tại chỗ' trong thời gian tới để doanh nghiệp tự triển khai các biện pháp, mô hình sản xuất của mình nếu đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch theo hướng dẫn của Chính phủ”, ông Phúc nói.

Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam-Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Thanh Phúc cho biết thêm, khi thực hiện “3 tại chỗ”, dù công ty đáp ứng rất nhiều điều kiện cho người lao động nhưng không thể bù đắp được những vấn đề khác thuộc về tâm, sinh lý. Việc sống xa nhà nhiều tháng qua ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, tâm lý của người lao động.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam-Đà Nẵng, việc hạn chế đi lại như hiện nay cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong tình hình mới, lãnh đạo công ty cũng bắt đầu nhận thấy một số cơ hội và dấu hiệu phục hồi nhưng không thể làm được do việc hạn chế đi lại.

Chuỗi công việc tại nhà máy, ngoài kỹ sư làm việc trực tiếp thì có một công đoạn về vệ sinh và phải thuê công ty bên ngoài. Công ty này nằm ngoài khu công nghiệp, suốt tuần nay không thể xin giấy đi đường QR Code để đến nhà máy làm việc dù đã nộp đơn đến 3 cơ quan. Bộ phận này không vào làm việc được thì toàn bộ công đoạn tại nhà máy sẽ bị ách tắc”, ông Phúc nêu khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Phúc nêu thêm thách thức hiện nay đối với các doanh nghiệp là sự gián đoạn đáng kể trong sự phân phối sản phẩm đến khách hàng. Chủ yếu là do các cơ quan, ban, ngành không có sự rõ ràng, nhất quán trong cách giải thích hàng hóa thiết yếu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, việc áp dụng biện pháp mạnh thời gian qua đã cơ bản đúng hướng, tình hình an ninh trật tự, an sinh xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ có ý nghĩa và có tính khả thi trong một thời gian rất ngắn bởi vì những tác động của nó đến cộng đồng doanh nghiệp và cuộc sống của người dân là hết sức nặng nề.

Theo ông Quảng, thời gian tới, thành phố sẽ mở lại nhiều hoạt động theo Chỉ thị số 15 với những điều kiện cụ thể để doanh nghiệp nắm được, vừa xây dựng phương án phòng chống dịch, vừa đáp ứng các điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế.

XUÂN TIẾN

Tin mới