Ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Phương Nam nhận định, kỳ điều chỉnh ngày 31/10 khiến giá xăng có thể tăng 500 đồng/lít, còn giá dầu có thể giảm 400 đồng/lít.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá trong nước còn phục thuộc vào hai phiên giao dịch tiếp theo trên thị trường thế giới và phụ thuộc vào việc liên Bộ Tài chính - Công Thương trích quỹ bình ổn thế nào. Trên thực tế, thời gian qua, tuy giá xăng dầu tăng nhưng liên Bộ hầu như không xả quỹ bình ổn.
“Do giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore tăng, trong khi giá dầu thành phẩm giảm so với giá điều hành ngày 23/10 nên giá xăng trong nước dự báo tiếp tục tăng, còn giá dầu sẽ giảm nhẹ”, ông Phương nhận định.
Giá xăng dầu trong nước dự báo tăng giảm trái chiều. (Ảnh Công Hiếu).
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp đầu mối tại Hà Nội đưa ra nhận định, giá bán lẻ xăng trong nước có thể tăng nhẹ, còn giá dầu giảm nhẹ hoặc giữ nguyên so với kỳ điều hành ngày 23/10 vừa qua.
Theo phân tích của doanh nghiệp này, giá bán xăng dầu của Việt Nam được tính theo giá bán quá khứ, tức là cơ quan chức năng sẽ cộng giá xăng, dầu thế giới và trong nước kể từ ngày đầu tiên sau kỳ tăng đến ngày tăng rồi chia đều để cho ra giá điều chỉnh. Nếu giá tăng cao hơn kỳ điều chỉnh trước thì giá sẽ tăng, ngược lại giá giảm thì sẽ được điều chỉnh giảm.
"Nếu cơ quan điều hành không trích lập cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, giá xăng RON 95 có thể tăng 500 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 có tăng 350 đồng/lít; dầu DO dự báo giảm 500 đồng/lít”, đại diện doanh nghiệp này nhận định.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng 29/10 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 23/10 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, tất cả các mặt hàng xăng, dầu đều tăng giá, với mức tăng cao nhất gần 500 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 458 đồng/lít, lên 22.365 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 469 đồng/lít, lên 23.513 đồng/lít.
Về mặt hàng dầu, giá dầu diesel tăng 79 đồng/lít, lên 22.489 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 289 đồng/lít, lên 22.753 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 375 đồng/kg, lên mốc 16.613 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), trước diễn biến giá xăng dầu thế giới và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Tính đến nay, giá xăng đã trải qua 30 lần điều chỉnh, trong đó có 18 lần tăng, 9 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Giá dầu thế giới rạng sáng nay (29/10) cập nhật trên Oilprice có sự thay đổi mạnh mẽ.
Cụ thể, giá dầu WTI chốt phiên giao dịch cuối tuần, lúc 6h30 sáng 29/10 (theo giờ Việt Nam) là 85,16 USD/thùng, tăng 2,80% (tương đương tăng 2,33 USD).
Giá dầu Brent sáng 29/10 là 90,44 USD/thùng, tăng 2,90% (tương đương tăng 2,55USD).
Giá dầu thô thế giới phiên sáng nay tăng nhẹ. (Ảnh minh họa: AFP).
Từ đầu tuần đến nay, giá dầu thay đổi liên tục. Đầu tuần, giá dầu thô thế giới có sự sụt giảm mạnh mẽ, nhưng đến cuối tuần đã phục hồi và lấy lại đà tăng mạnh mẽ.
Theo Reuters, giá dầu tăng gần 3%. Đây là mức tăng cao nhất trong một tuần, do lo ngại rằng căng thẳng ở Israel và Gaza có thể lan rộng thành một cuộc xung đột lớn hơn, có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Chênh lệch giá dầu Brent so với WTI đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3, điều này thu hút các công ty năng lượng gửi tàu đến Mỹ lấy dầu thô để xuất khẩu. Đầu phiên, giá dầu tăng hơn 2 USD/thùng sau khi quân đội Mỹ tấn công các mục tiêu của Iran ở Syria.
Sau đó, giá nhanh chóng chuyển sang tiêu cực khi thị trường tiếp nhận nhiều báo cáo khác nhau về các cuộc đàm phán hòa giải giữa nhóm chiến binh Hamas và Israel do Qatar dẫn đầu với sự phối hợp của Mỹ.
Vậy nên giá dầu Brent có sự chênh lệch với giá dầu WTI, thậm chí đây là mức chênh lệch cao nhất kể từ tháng 3. Kéo theo đó là sự thu hút các công ty năng lượng gửi tàu đến Mỹ để lấy dầu thô để xuất khẩu.
Mặt khác, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm trong quý 3, làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn.
Chia sẻ về thị trường sản xuất dầu trong năm tới, ông Phil Thompson (giám đốc của Mobius Risk Group) cho biết: “Thị trường sẽ trông chờ vào kế hoạch của OPEC và các nước đồng minh về mức sản xuất trong năm tới. Nếu việc cắt giảm tiếp tục diễn ra trong năm mới thì giá sẽ tăng”.
Về phía các nhà phân tích của Goldman Sachs, họ vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu thô Brent trong quý 1 năm 2024 ở mức 95 USD/thùng nhưng nói thêm rằng xuất khẩu của Iran thấp hơn có thể khiến giá cơ bản tăng 5%.