Giá vàng tăng trở lại kể từ khi Mỹ công bố lạm phát tháng 10 giảm, thêm vào đó thị trường tiền điện tử trải qua một giai đoạn suy thoái, vàng nhanh chóng trở thành tài sản được các nhà đầu tư chú trọng hơn.
Vàng được ghi nhận tăng 80 USD trong tuần qua, được cho là hiệu suất tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020. Nhưng điều quan trọng hơn đối với vàng vào lúc này là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhẹ tay hơn trong chính sách tiền tệ, khiến USD sẽ giảm sức mạnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sự kiện sàn giao dịch tiền điện tử FTX của Sam Bankman-Fried nộp đơn xin phá sản vào thứ Sáu tuần trước sẽ tạo nên sự biến động xấu ngoài sức tưởng tượng của thị trường này. Đó là lý do vàng được hưởng lợi nhiều hơn.
Giá vàng hôm nay tăng trở lại.
Chuyên gia kim loại quý của Gainesville Coins, Everett Millman nói với Kitco News với hàm ý so sánh giữa vàng và tiền điện tử, rằng vàng có vai trò truyền thống - nó được tin tưởng và coi là nơi trú ẩn an toàn.
+ Giá vàng trong nước
Lúc 15h ngày 15/11, trên sàn giao dịch của Doji, giá vàng được niêm yết ở mức 66,7 - 67,7 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Trong khi đó, trên sàn giao dịch của SJC, vàng SJC có giá mua vào là 66,7 triệu đồng/lượng, bán ra là 67,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 53,7 - 54,7 triệu đồng/lượng.
+ Giá vàng quốc tế
Giá vàng thế giới chiều nay đứng ở ngưỡng 1.780 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12/2022 đứng ở ngưỡng 1.781 USD/ounce.
Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần vẫn ở mức cao nhất trong vòng 2,5 tháng. Đà tăng của kim loại quý đã bị hạn chế bởi sự vươn lên của USD và lợi suất trái phiếu.
Rạng sáng 15/11, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã đảo chiều tăng lên gần mức 107. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ hiện đang ở mức 3,869%.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, mọi yếu tố hiện tại đang ủng hộ vàng. Những lo ngại về suy thoái kinh tế và sự hỗn loạn trên thị trường tiền điện tử đã kích hoạt cho đợt tăng giá của vàng vào tuần trước.
Bên cạnh đó, dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự đoán cũng tiếp thêm động lực cho kim loại quý này khi các thị trường tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ chậm lại tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay. Nếu lạm phát thực sự đã đạt đỉnh thì bạc xanh có thể suy yếu và điều đó sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng.
Mặc dù vàng đã đạt được mức tăng hàng tuần tốt nhất kể từ tháng 7/2020, nhưng một số nhà phân tích vẫn cho rằng đà bứt phá của kim loại quý này vẫn chưa dừng ở đó. Chiến lược gia thị trường cấp cao Frank Cholly của RJO Futures dự báo vàng sẽ chạm mức 1.830 USD/ounce trong tuần này.
Tuy nhiên, cũng không có ít ý kiến cho rằng các nhà đầu tư nên kiên nhẫn thêm một thời gian nữa để biết chắc liệu Fed có thực sự làm chậm lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực của mình hay không.
Lý do là trong những phát biểu gần đây các quan chức Fed đều cho rằng còn quá sớm để thay đổi chính sách và lãi suất có thể tăng cao hơn dự kiến. Bên cạnh đó, lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Điều này vẫn có thể khiến Fed tiếp tục với chính sách tích cực của mình để đạt mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% và sẽ gây áp lực lên vàng.
Thông tin trên FT, ngày 14/11, Mark Bristow, Giám đốc điều hành công ty khai thác vàng lớn thứ hai thế giới Barrick Gold, nói rằng, ngành công nghiệp này sẽ "ngừng hoạt động" nếu trong năm tới vàng giảm xuống mức như một số nhà phân tích mong đợi.
Ông Mark Bristow cho biết, nếu giá giảm xuống mức thấp 1.500 USD/ounce trong năm tới khi lãi suất tiếp tục tăng, điều này sẽ tàn phá ngành công nghiệp khai thác vàng, một lĩnh vực đang phải vật lộn với chi phí gia tăng.
Nhưng các nhà đầu tư kỳ cựu về vàng Nam Phi dự đoán rằng, giá vàng sẽ không thấp hơn 1.600 USD/ounce vì các nhà đầu tư bán lẻ và các ngân hàng trung ương của thị trường mới nổi đang tìm cách rời xa đồng USD.
Bristow nói với FT: “Giá vàng đương nhiên phải chịu áp lực trong những thời điểm như thế này. Tôi nghĩ 1.600 USD là một mức sàn tốt. Với 1.500 USD, bạn đã đặt ngành khai thác vàng khỏi chế độ hoạt động kinh doanh”.
Chi phí duy trì hoạt động của Barrick, một số liệu quan trọng trong ngành, đã tăng 235 USD trong năm qua lên 1.269 USD mỗi ounce. Thu nhập ròng của công ty trong quý III/2022 giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, xuống 241 triệu USD.
Theo công ty tư vấn Metals Focus, chi phí trung bình của ngành - bao gồm chi tiêu vốn dự án, thuế, lãi vay và tiền bản quyền - đã tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.693 USD/ounce, khiến lợi nhuận thu được ngày càng giảm.
Các nhà phân tích hàng hóa tại tập đoàn dịch vụ tài chính Australia Macquarie dự đoán vàng sẽ chạm mức thấp 1.500 USD trong quý II/2023 và sẽ chỉ bắt đầu tăng khi thị trường tin rằng Fed ngừng tăng lãi suất.
Thậm chí, Kathleen Kelley, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Queen Anne’s Gate Capital, tin rằng giá vàng có thể giảm sốc tới 1.300 USD/ounce, bởi các nhà đầu tư có khả năng rút khỏi các quỹ giao dịch trao đổi theo dõi giá vàng.
Tuy nhiên, một số ngân hàng có quan điểm lạc quan hơn, với Ngân hàng hoàng gia Canada (RBC) dự báo giá cơ bản là 1.795 USD/ounce vào năm tới, giao dịch trong một phạm vi rộng.
Một số nhà phân tích và giám đốc điều hành ngành công nghiệp khác nói rằng giá vàng đã phục hồi một cách đáng ngạc nhiên khi xem xét lợi suất thực tế kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng mạnh như thế nào.
John Reade, chiến lược gia thị trường trưởng tại WGC cho biết: “Cho đến khi Fed ngừng thái độ ‘diều hâu’, đó sẽ là một cơn gió ngược đối với vàng”.
Các nhà điều hành các công ty khai thác vàng cho biết việc vũ khí hóa đồng tiền của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt đối với Nga đang làm lung lay niềm tin của các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi vào dự trữ đồng USD.
Goldman Sachs tin rằng vàng có thể giảm xuống 1.500 USD nếu Fed đưa ra một đường lối cực kỳ diều hâu, điều mà họ cho rằng xác suất là 20%.
Nếu giá giảm hơn nữa, sự khó khăn đối với các công ty khai thác vàng có thể tiếp tục thúc đẩy quá trình mua bán sáp nhập.