Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 trong 9 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn cung thịt lợn giảm làm giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao.
Giá thịt lợn là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng cao. (Ảnh minh họa: Ngọc Khánh)
Mặc dù CPI tháng 11/2019 tăng cao nhưng tính bình quân 11 tháng, CPI chỉ tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 11, có 9 trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 2,74% với thực phẩm tăng 4,11%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,13%, chủ yếu do giá gas trong nước điều chỉnh tăng vào thời điểm 1/11/2019 làm chỉ số giá gas tăng 0,99%, nhóm nhà ở đi thuê tăng 0,38% và dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,4%.
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục cùng tăng 0,04%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,16%.
Hai nhóm có chỉ số giá giảm là giao thông giảm 0,73% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 31/10/2019 và điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 15/11/2019 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 1,7%, tác động làm CPI chung giảm 0,07%). Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,09%.
Diễn biến, tác động của giá thịt lợn đến chỉ số CPI đã được Tổng cục Thống kê nhắc đến khá chi tiết. Cụ thể, giá thịt lợn tăng 18,51% trong tháng 11, tác động làm CPI chung tăng 0,78%. Bên cạnh đó, giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn và giá các mặt hàng thay thế cũng tăng. Chẳng hạn, giá thịt quay, giò chả tăng 5,99%; giá thịt hộp, chế biến khác tăng 0,59%; giá thịt bò tăng 1,29%; giá thịt gà tăng 1,57%; giá cá, tôm tươi ướp lạnh tăng từ 0,89%-1,36%; giá thủy sản chế biến tăng 0,49%…
Về lạm phát, lạm phát cơ bản tháng 11/2019 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 1,94% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tính giảm 1,6% so với tháng trước, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2019 do sụt giảm của ngành khai khoáng và sự giảm tốc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cụ thể, chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng giảm 5,3%, với khai thác dầu thô giảm 10,4%. Ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 6,5% chủ yếu do sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 46,4% và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng thấp 2,1%...