Ngày 29/10, sau khi công bố “Dự thảo sinh viên sư phạm bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học”, Bộ GD-ĐT đã nhận nhiều chỉ trích của các chuyên gia vì “làm trò cười cho xã hội”.
Sáng 30/10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân những người làm sai.
Trả lời PV VTC News, thầy N.C.T (Hà Nội) cho rằng: "Khung xử phạt được đưa ra trong dự thảo là hành vi tiếp tay và dung túng. Trong dự thảo nói rõ lần một chỉ khiển trách. Tôi đồng ý với cách xử lý "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại" này, nhưng đã "chạy lại" rồi tái phạm thì mức "cảnh cáo" cho lần hai như thế là chưa đủ. Tái phạm lần hai cần phải bị đuổi học ngay nếu bị phát hiện".
"Hoạt động mại dâm không chỉ vi phạm các quy chuẩn đạo đức, mà còn là vi phạm pháp luật”, thầy N.C.T nêu rõ quan điểm.
Rõ ràng dự thảo này đặt ra là hướng đến ngành đào tạo giảng viên, nhưng có nhiều luồng ý kiến cho rằng, ngành nào thì cũng đều phải đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu.
Cô L.X (giáo viên tại Hà Nội) đưa ra câu hỏi: “Tại sao lại là luật dành riêng cho sinh viên sư phạm bằng cao đẳng, trung cấp? Còn sinh viên ngành này ở trình độ đại học nữa thì sao?”.
Nhiều giáo viên và phụ huynh không đồng tình với Dự thảo sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 mới bị đuổi học.
Thầy N.V.C (Hà Nội) cho rằng, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật, do cơ quan cảnh sát chịu trách nhiệm xử lý.
“Bộ Giáo dục hãy nên tập trung lo chuyên môn của mình!”, thầy N.V.C bức xúc chia sẻ.
Không chỉ giáo viên mà nhiều bậc phụ huynh cũng tỏ ra quan ngại trước nội dung trong dự thảo này.
“Có lẽ dự thảo có một điểm sáng là muốn cho ngành giáo trong sạch hơn, nhưng mặt trái của nó lại như thừa nhận tệ nạn này đã và đang xuất hiện trong sinh viên”, chị Bích Hạnh (phụ huynh ở Hà Nội) chia sẻ.
Trong khi đó, chị Minh Thuý cho rằng dự thảo này nếu đưa vào thực hiện sẽ hạn chế được hành vi, việc làm không lành mạnh trong giới sinh viên.
“Tuy nhiên, mức kỷ luật lại là điều khiến tôi thắc mắc. Từ cảnh cáo, đình chỉ đến đuổi học sau tận 4 lần vi phạm thì tôi thấy không ổn. Đây là hành vi đạo đức mà làm nghề giáo thì phải “tiên học lễ hậu học văn”, đạo đức là điều quan trọng nhất!”, chị Thuý nói.
Sáng 31/10, trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết quy định trong các văn bản, thông tư của Bộ GD-ĐT rất nhiều. Bộ đã rà soát các văn bản trong nhiều năm gần đây thì có vấn đề này.
"Quy định về bán dâm đối với học sinh, sinh viên có từ năm 2007 và sau đó đầu năm 2016, có thông tư. Thực tế, quy định này đã có. Tôi đề nghị, khi rà soát, những nội dung không phù hợp phải bỏ, trong đó có chủ trương này. Nhưng vấn đề đặt ra là các cá nhân phụ trách việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, dẫn đến phản ứng của xã hội.
Khi nhận được thông tin, tôi đã chỉ đạo xử lý ngay, yêu cầu không đưa vấn đề này vào thông tư nữa".
Tối 29/10, Bộ GD-ĐT gửi đi thông cáo về việc đưa ra khung xử lý kỷ luật kèm theo dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp.
Theo đó, sinh viên nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học. Nếu vi phạm lần đầu tiên trong cả khóa học sẽ bị khiển trách và lần thứ 2, 3 sẽ chịu hình thức kỷ luật tương ứng: cảnh cáo, đình chỉ có thời hạn.
Còn nếu hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức xử lý nặng hơn, bị buộc thôi học ngay lần đầu tiên bị phát hiện vi phạm.
Dự thảo được lấy ý kiến góp ý đến 26/11.
Tuy nhiên, sau khi vấp phải phản ứng của dư luận, Bộ GD-ĐT đã gỡ bỏ bản dự thảo này và nhận sai sót trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất.