Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Điều tra nhóm lâm tặc ngang nhiên chặt phá rừng lim cổ thụ ở Quảng Nam

Hàng chục cây lim cổ thụ có đường kính 3-4 người ôm ở Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn (xã Chà Val, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc.

Cơ quan chức năng huyện Nam Giang (Quảng Nam) vừa khởi tố 7 người do có hành vi khai thác lâm sản trái phép tại khu vực Khe Bưa (điểm tiếp giáp giữa ba xã Zuôih, Tà Pơơ, huyện Nam Giang và xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) thì một vụ tàn phá rừng lim cổ thụ khác lại được phát hiện tại địa phương này.

Hiện trường vụ phá rừng lần này nằm ở khoảnh 1, 3, tiểu khu 335 (thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang - thuộc lâm phận quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung, tỉnh Quảng Nam) nằm cách suối Đại Hồng khoảng 500m.

Vụ phá rừng lim cổ thụ lần này được cho là có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Nam từ trước đến nay. Cơ quan chức năng đang điều tra nhóm lâm tặc phá rừng này.

 Những gốc lim cổ thụ bị tàn phá không thương tiếc. (Ảnh: Thanh Hải)

Theo ghi nhận tại hiện trường, cách suối Đại Hồng chừng 400m, phóng viên dễ dàng phát hiện nhiều gốc cây lim cổ thụ có đường kính lớn bị đốn hạ. Trong những cây bị đốn hạ, có nhiều cây mới chỉ bị chặt cách đây vài tháng nhưng cũng có cây có thể đã bị chặt cách đây nhiều năm do phần gốc có dấu hiệu bị mục.

Cách vị trí nói trên khoảng 100 - 200m, một mảnh rừng với nhiều cây gỗ lim cổ thụ cũng bị đốn hạ và theo dấu vết để lại thì chúng mới chỉ bị chặt cách đây chừng 20 - 40 ngày. Trong đó, nhiều cây bị lâm tặc đưa ra khỏi hiện trường nhưng có cây còn chưa kịp xẻ. 

 Hàng chục cây lim cổ thụ có đường kính lớn bị lâm tặc lén lút chặt phá và đưa ra khỏi rừng tiêu thụ. (Ảnh: Thanh Hải)

Thống kê, khoảng 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây Lim Xanh và 1 cây Xoan Đào). Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại khoảng 235,111m3; trong đó gỗ Lim xanh 223,121m3 và gỗ Xoan đào 11,990m3; khối lượng gỗ còn tại hiện trường bao gồm: 125,909m3 gỗ tròn và 3,949m3 gỗ xẻ.

Theo quan sát của PV, lâm tặc dùng cưa lốc đốn hạ từng gốc lim cổ thụ sau đó xẻ thành phách rồi mới vận chuyển khỏi hiện trường.

Con đường mòn được lâm tặc sử dụng để vận chuyển gỗ được hình thành từ khá lâu và được sử dụng thường xuyên.

Lâm tặc phá rừng theo kiểu gần hạ trước, xa hạ sau. Việc phá rừng này diễn ra rất liều lĩnh, xem nơi đây như chốn không người.

Lim cổ thụ sau khi được đốn hạ sẽ bị lâm tặc xẻ thành từng phách để đưa khỏi rừng theo các khe suối ra sông Bùng và đưa về xuôi. (Ảnh: Thanh Hải) 

Một người dân địa phương tiết lộ, sau khi cưa xẻ lim cổ thụ, lâm tặc chuyển gỗ về xuôi theo đường bộ hoặc đường thủy.

Gần đây, khi thủy điện Sông Bung 4 tích nước, lâm tặc chọn cách vận chuyển gỗ theo khe suối, đưa xuống sông rồi men theo dòng sông Bung đưa về phố bán cho các đại gia.

Thanh Hải - Nguyễn Vương

Tin mới