Vào mùa nắng nóng, do sử dụng điều hòa liên tục, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng trung bình khoảng 50%.
Trời càng nóng, sử dụng điều hòa càng nhiều
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm 2020 sẽ đến sớm và nắng nóng gay gắt hơn trung bình nhiều năm, điều này sẽ làm nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng cao dẫn đến sản lượng điện tăng đột biến.
PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện KHCN Nhiệt - Lạnh, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2 - 3%. Cùng đó, thói quen trời càng nóng, cài nhiệt độ điều hòa càng thấp của nhiều người sử dụng cũng vô tình gây tốn thêm điện. Nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng để thấp xuống 1 độ, tiêu thụ điện năng của điều hòa cũng tăng lên 1,5 - 3%”.
Nguồn ảnh: Fanpage VTV24
Bên cạnh đó, từ ngày 1/4 toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, riêng Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách đến ngày 22/4, người dân hạn chế ra đường, làm việc và học tập tại nhà, đã dẫn đến việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước. Cụ thể, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3/2020 tăng tới 8,55 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng thành phố Hà Nội tăng 17% so cùng kỳ năm 2019.
Sản lượng điện tháng 3 tại Hà Nội tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Sử dụng điều hòa đúng cách để tiết kiệm hóa đơn điện mùa hè
Để tiết kiệm điện, người dùng cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 đến 28 độ C. Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe. Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 đến 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn
PGS.TS Nguyễn Việt Dũng chia sẻ: “Cần chọn và sử dụng các loại điều hòa được dán nhãn năng lượng 5 sao theo quy định Bộ Công Thương và phù hợp với diện tích phòng. Có 5 mức dãn nhán năng lượng từ 1 đến 5 sao, và càng nhiều sao thì càng tiết kiệm điện. Cùng một điều hòa công suất 9.000 hoặc 12.000 BTU, chênh lệch điện tiêu thụ giữa loại 1 và 5 sao đã là 24% (theo TCVN 7830-2015). Điều hòa 9.000 BTU thích hợp phòng từ 10-16 m2, loại 12.000 BTU thích hợp phòng từ 12-22 m2, còn phòng từ 18-36 m2 cần dung điều hòa 18.000 BTU… Nếu lắp đặt không phù hợp công suất sẽ khiến điều hòa chạy quá tải không tiết kiệm điện và nhanh hỏng”.
Nhãn năng lượng do Bộ Công Thương ban hành.
Cùng với đó, việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa cũng là nguyên nhân gây lãng phí điện năng. Sau một thời gian sử dụng, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, tốn điện gây hại sức khỏe.
Điều hòa sau thời gian dài sử dụng, cả giàn nóng và giàn lạnh đều có các lá tản nhiệt bị mềm, trong khi gas lạnh có thể bị hao hụt, dầu máy bị bẩn cũng như các chi tiết cơ khí bị mài mòn. Hiệu quả làm lạnh có thể bị giảm tới 10 đến 15%. Việc bảo trì vệ sinh đúng cách sẽ giúp kéo dài tuổi thọ điều hòa.
Điều hòa sử dụng máy nén biến tần (Inverter) tiết kiệm điện hơn đáng kể so với điều hòa thông thường. Với nhu cầu sử dụng gia đình, văn phòng nhỏ (điều hòa thường sử dụng khoảng 30 đến 70% tải), điều hòa biến tần tiết kiệm điện hơn hẳn điều hòa thường, tối đa tới 28% điện năng. Chỉ với các trường hợp sử dụng thời gian quá ngắn hoặc điều hòa phải chạy liên tục 100% công suất, điều hòa biến tần mới không phát huy được tác dụng, thậm chí tốn điện hơn do phải "nuôi" bộ biến tần.
Ngoài ra, các thiết bị điện tử như quạt, điều hòa, ti vi… khi không sử dụng nên ngắt hẳn nguồn điện, bởi nếu chỉ tắt bằng điều khiển, một số linh kiện vẫn phải hoạt động ở chế độ chờ và gây tiêu tốn năng lượng.
Để nhiệt độ điều hòa trong khoảng từ 26-28 độ để tiết kiệm điện mùa nắng nóng. (Ảnh: Vnexpress)
Để được tư vấn các cách sử dụng các thiết bị điện trong gia đình tiết kiệm, hiệu quả mùa nắng nóng, các khách hàng tại Hà Nội vui lòng liên hệ Trung tâm chăm sóc khách hàng EVNHANOI qua tổng đài 19001288 (phục vụ 24/7) hoặc truy cập website: cskh.evnhanoi.com.vn.