Chiến dịch “Trận đánh” mới được giải mật cách đây không lâu. Trên thực tế, ngay cả bây giờ người ta cũng biết rất ít về chiến dịch này, chủ yếu chỉ là những số liệu khô khan và ít ỏi.
Đầu năm 1947, tình báo Liên Xô nhận được thông tin rằng, người Anh trang bị một loại đạn phòng không siêu hiện đại (vào thời điểm đó). Nó được điều khiển bằng sóng vô tuyến và có khả năng tiêu diệt các mục tiêu chuyển động trên không một cách hiệu quả.
Quá trình phát triển loại đạn này được thực hiện trong một thời gian dài – kể từ mùa Thu năm 1944: vào thời điểm đó, người Đức bắn phá Anh bằng tên lửa Fau-2 với tầm hoạt động xa.
Loại đạn chỉ vừa mới được phát hành, và nó chỉ có sẵn trong kho vũ khí của hai quốc gia – bản thân Anh và Italy, nơi đặt căn cứ quân sự của quân đội Anh, bao gồm cả hệ thống phòng không. Điện Kremlin khi đó coi Italy là quốc gia “lỏng lẻo” và “lơ là” hơn so với Anh, do đó nhiệm vụ được giao cho điệp viên ngầm của Liên Xô tại Italy – Nikolai Gorshkov, 35 tuổi.
Ngay cả khi tính đến sự “lơ là” của Italy, việc lấy cắp loại đạn bí mật tại một quốc gia có sự hiện diện của binh lính Anh và Mỹ ở khắp mọi nơi dường như là một nhiệm vụ tương đối khó khăn đối với bất cứ điệp viên nào.
Bộ sưu tập ảnh thác loạn
Gorshkov (dưới bí danh “Martyn”) trước đây ở Italy với tư cách là một nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Liên Xô. Lần đầu tiên ông đến Rome là vào năm 1939 và ở lại đó cho đến khi Thế chiến II nổ ra. Sau đó (vào năm 1943), ông được chuyển đến Algeria, nơi ông tuyển mộ thành công một quan chức Pháp (người đã làm việc cho tình báo Liên Xô trong 15 năm), và vào năm 1944, ông trở về Rome khi nơi này đã được giải phóng khỏi Đức Quốc xã.
Oanh tạc cơ B-29 tối tân của Mỹ trong Thế chiến II. (Ảnh: AIF)
Việc đầu tiên cần làm là phải tìm ra chính xác nơi cất giữ số đạn này: bởi các thông báo về vị trí của “đạn phòng không” là không thể kiếm được ngoài phố. Các điệp viên tình báo nước ngoài chính của Liên Xô tại Italy là “Dario” (quan chức Bộ Ngoại giao nước sở tại Giorgio Conforto) và “Demid” – cũng là một quan chức của Bộ Ngoại giao.
Tình báo Liên Xô thường cảm thấy cơ quan này như ở nhà: họ tuyển dụng ngay cả những cô gái đánh máy chuyên in tài liệu mật và sau đó trở thành các điệp viên dưới bí danh “Daria” và “Marta”. Tuy nhiên, một điệp viên hoàn toàn khác, có bí danh là “Ray”, đã được kết nối với nhiệm vụ để không gây nguy hiểm cho mạng lưới gián điệp của Liên Xô trong Bộ Ngoại giao Ý. “Ray” có lối sống điển hình của những “playboy” và thường tham dự các bữa tiệc giải trí với các doanh nhân người Anh và người Mỹ - đầu mối trung gian trong việc cung cấp các sản phẩm quốc phòng.
Trong các bữa tiệc đó, thông thường sẽ có các cô gái phục vụ, rượu “đổ thành sông”, và thậm chí còn có cả cocaine. Theo cách đó, “Ray” định kỳ xuất hiện trong bộ sưu tập ảnh thác loạn của các doanh nhân giàu có. Với những mối quan hệ như vậy, không khó để anh ta có được thông tin cần thiết: người Anh giữ đạn pháo trong các nhà kho được tạo ra ngay sau Thế chiến II - ở miền Bắc Italy. Quả thật, có một sự bảo vệ nghiêm ngặt từ phía người Anh và bí mật đó nghiêm ngặt đến mức không có cách nào để tiếp cận.
Kết thân với đội bốc dỡ
Sau khi hoàn thành việc moi tin đơn giản bằng gái và rượu, “Ray” quay sang sử dụng một phương thức tầm thường nhưng hiệu quả khác – đó là tiền. Anh ta mua chuộc một vài sĩ quan quân đội Italy: không cần bất giấy tờ thỏa thuận nào, nhưng họ thực sự cần tiền và họ có thông tin cần thiết. Với sự giúp đỡ của họ, “Ray” nắm được rằng: lực lượng pháo binh Italy được tiếp nhận từ Anh vài nghìn đạn phòng không chứa chất nổ đặc biệt và “phần nhân” điện tử. Nhà kho chính, nơi đạn dược được vận chuyển đến, nằm rất gần Rome, trong một thị trấn nhỏ.
Điều này hóa ra lại là một điểm khó khăn đáng kể cho chiến dịch “Trận đánh” – bởi ở ngôi làng nhỏ, một người lạ mặt sẽ rất dễ bị phát hiện. Gorshkov ra lệnh cho “Ray” đến ngôi làng này và định cư. Người điệp viên đến đó và bắt đầu cuộc sống rực rõ nhất theo phong cách của James Bond – uống rượu, vui vẻ, tiệc tùng trong các nhà hàng, tiệc tùng với các cô gái... Anh ta vung tiền để kết thân và lợi dụng các nhân viên làm việc ở kho, thực hiện nhiều đơn đặt hàng thiết bị kỹ thuật để đánh lạc sự chú ý. Chẳng mấy chốc, nhiều nhân viên nhà kho, từ người bốc dỡ đến chỉ huy, trở nên thân thiết với anh ta.
“Cuỗm” luôn cả oanh tạc cơ
Cả “Ray” và Đại tá Gorshkov đều là những nhà tâm lý học khá giỏi khi làm nhiệm vụ. Một cách chuyện nghiệp họ phát hiện ra những người Ý có quyền tiếp cận trực tiếp với đạn pháo. Không có thông tin chính xác, nhưng được biết rằng, “Ray” đã cho những “đối tượng cần thiết” vay tiền. Trong một khoảng thời gian ngắn nhất, anh ta đã đưa nhiều người vào thế “mắc nợ”: quen với lối sống phóng khoáng, họ không còn có thể từ chối sự xa hoa và tráng lệ. Tất cả kết thúc đúng như dự đoán: các nhân viên kho đã bán mẫu đạn phòng không, cùng các bản vẽ và tài liệu kỹ thuật với một số tiền khá lớn tính bằng đô la Mỹ.
Tháng 9/1947, “chiến lợi phẩm” được Gorshkov (“Martyn”) gửi về Liên Xô: một phần qua thư ngoại giao, một phần bằng đường bộ qua Thụy Sĩ. Việc thực hiện chiến dịch “Trận đánh” đã tiêu tốn 8 tháng và một đống ngoại tệ: như thường lệ, trong ý định của mình, Điện Kremlin không mong muốn phải trả cái giá quá cao cho một mẫu vũ khí mới.
Sau đó, điệp viên ngầm Liên Xô tại Italy còn lấy cắp được và gửi về Matxcơva bản thiết kế của chiếc oanh tạc cơ B-29 mới nhất của Mỹ có khả năng mang bom nguyên tử: điều này giúp ích rất nhiều cho việc tạo ra một chiếc máy bay có khả năng mang bom nguyên tử tương tự ở Liên Xô.
Hầu hết tên thật của các điệp viên tình báo Liên Xô ở Italy vẫn chưa được giải mật. Nikolai Gorshkov năm 1950 đã trở về Matxcơva, và đến các năm 1954-1955 chuyển sang làm ở Thụy Sĩ, sau đó là ở CHDC Đức và Tiệp Khắc, giảng dạy tại Viện Tình báo đối ngoại. “Martyn” sống một cuộc đời dài và chết năm 1995 với cấp bậc đại tá. Vẫn còn rất nhiều chiến dịch của điệp viên Liên Xô ở nước ngoài chưa được biết đến, bởi phần lớn tài liệu trong những năm 40 cho đến nay vẫn còn được đóng dấu “Mật”.