Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có 5 hãng hàng không đang khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng bay hàng hóa chuyên dụng.
Thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế của Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài đến từ 16 quốc gia tham gia khai thác. Trong khi đó, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021 chỉ vào khoảng 11%.
Máy bay của IPP Air Cargo. (Ảnh: IPP Air Cargo)
Với xu thế chung trên thế giới hiện nay là phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng thêm bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có thị trường mục tiêu là các nước phát triển với những phân khúc hàng hóa cần được vận chuyển với thời gian ngắn, mang tính thời vụ cao thì việc có một hãng hàng không chuyên chở hàng hóa do nhà đầu tư trong nước đầu tư sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics hàng không Việt Nam, giúp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Từ đó, Bộ Công Thương đề nghị Văn phòng Chính phủ, căn cứ vào ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải (cơ quan quản lý chuyên ngành) và ý kiến của các bộ, ngành khác có liên quan, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tháng 8/2022, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công an, Quốc phòng nhằm trưng cầu ý kiến về báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến đề xuất cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Quốc Phòng ủng hộ việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không cho IPP Air Cargo.
"Việc cấp phép cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành Logistics Việt Nam, phù hợp mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương cấp phép cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải vận chuyển hàng không, đặc biệt thời điểm thị trường hàng không phục hồi sau đại dịch COVID-19", văn bản của Bộ Quốc phòng nêu.
IPP Air Cargo có vốn điều lệ 300 tỷ đồng do ông Nguyễn Hạnh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị xin được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa với số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên là 5 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 10 tàu bay. Loại tàu bay sẽ đưa vào khai thác là B737/B777/A330 và các loại tàu bay tương đương.
Mạng đường bay nội địa mà IPP Air Cargo kết nối trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên (Lâm Đồng, Pleiku), Hải Phòng, Quảng Ninh...với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP.HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu.
Trong văn bản gửi Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo hồi tháng 5/2022, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa của IPP Air Cargo là đầy đủ, đáp ứng quy định về vốn, phương án đảm bảo tàu bay khai thác.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, IPP Air Cargo ra đời nhằm mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến 2020, tầm nhìn đến 2030.
IPP Air Cargo sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam tăng trưởng 10-15%/năm (dự kiến sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Công ty cổ phần IPP Air Cargo sẽ tăng dần trong các năm, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm dự kiến là 18%-20%).