Tại hội thảo về tính khả thi của việc áp dụng kỹ thuật định vị GPS trong giám sát voi hoang dã tổ chức ngày 19/9 ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), ông Y Giang Gry Niê - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết, hiện có 5 quần thể voi hoang dã với khoảng 80-100 con, tập trung chủ yếu tại huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar và Ea H’leo.
"Trong những năm qua, voi hoang dã thường xuyên xuất hiện và tàn phá hoa màu của người dân ở huyện Buôn Đôn, Ea Súp... Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về bảo tồn voi hoang dã nên người dân đã dùng các biện pháp xua đuổi voi trở lại rừng an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của voi", ông Y Giang Gry Niê nói.
Ông Y Giang Gry Niê - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tại Hội thảo.
Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, kỹ thuật định vị hiện đại GPS đang được áp dụng ở một số nước, mang lại nhiều lợi ích cho công tác quản lý, giám sát voi hoang dã.
Do đó, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi xây dựng các giải pháp giám sát voi hoang dã trên địa bàn bằng kỹ thuật định vị GPS.
Các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cho biết, vòng cổ GPS tích hợp với công nghệ viễn thám đã trở thành công cụ phổ biến trong nghiên cứu tập tính di chuyển theo vùng và theo mùa của voi, mang lại nhiều lợi ích hơn so với cách giám sát voi truyền thống.
Công nghệ này giúp tăng năng lực quản lý và theo dõi voi trong môi trường tự nhiên, qua đó cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại về hoa màu, tài sản của người dân do voi hoang dã gây ra.
Theo WWF-Việt Nam, voi châu Á được liệt vào nhóm động vật nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUNC).
Ở Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 100-130 con voi hoang dã, chia tách thành 19 quần thể riêng biệt tại 8 tỉnh gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước.