Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Muốn mang thành tích SEA Games ra Olympic, phải 'đi tắt đón đầu'

(VTC News) -

Chuyên gia Dương Đức Thủy cho rằng thể thao Việt Nam cần có những bước đi tắt, đón đầu để nâng cao thành tích tại Thế vận hội.

Kết thúc Olympic Paris 2024, đoàn thể thao Việt Nam không giành được tấm huy chương nào. Trong khi đó, các đoàn khác ở Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Philippines đều có huy chương vàng. Malaysia có huy chương đồng.

Sự chênh lệch về thành tích giữa SEA Games và Olympic là bài toán đau đầu với thể thao Việt Nam. Chuyên gia Dương Đắc Thủy - nguyên Trưởng bộ môn Điền kinh, Cục Thể dục Thể thao đánh giá về con đường giúp thể thao Việt Nam cải thiện thành tích.

- Ông có đánh giá gì về kỳ Olympic vừa qua dưới góc độ chuyên môn?

Còn mấy ngày nữa Olympic mới kết thúc nhưng tất cả đều xoáy vào chuyện trắng tay của thể thao Việt Nam. Về yếu tố chủ quan, vận động viên đã phấn đấu hết sức, hết khả năng. Một số bạn đã vượt qua thành tích cá nhân, rất đáng khích lệ. Nhưng cần khách quan rằng vận động viên khi đạt chuẩn thì ở tầm nào; chuẩn và đỉnh cao là một khoảng cách nhất định.

Nếu muốn tranh chấp huy chương thì phải làm tốt, ví dụ điểm bắn súng hay mức thời gian chạy, chẳng hạn thành tích chạy ở 100 mét tự do nam điền kinh, nội dung chung kết ai cũng có chạy dưới 10 giây. Nhưng không phải lúc nào thành tích Olympic cũng cứ tăng. Quan trọng là sự chuẩn bị của mỗi đoàn thể thao, mỗi bộ môn.

Ánh Nguyệt thi đấu tốt nhưng cách xa mức giành huy chương.

- Những tranh cãi về bỏ hay tiếp tục theo đuổi SEA Games lại xuất hiện, ông nói gì về điều này?

Thực ra, sự sàng lọc các bộ môn của lãnh đạo ngành rất quan trọng. Gần đây, có quan điểm muốn bỏ hẳn SEA Games nhưng chuyện này theo tôi là không được, bởi vì những môn càng cơ bản thì lại rất cần. Ngay như điền kinh, cách đây gần 20 năm tôi đã có quan điểm rằng giành huy chương nhưng thành tích phải thực sự tốt.

Hồi năm 2001-2003, đâu ai nghĩ rằng chúng ta giành nhiều huy chương và rồi có cả huy chương châu Á. Ở đây, tôi đặt vấn đề dư luận vẫn nghĩ đến chuyện phân nhóm môn Olympic, ASIAD hay SEA Games. Tôi từng trao đổi với lãnh đạo ngành rằng môn Olympic đang phát triển hay chỉ mới sàng lọc thuần túy vào các nhóm môn.

- Vai trò của SEA Games với công tác sàng lọc vận động viên là gì?

Qua giải đấu trong nước, ta mới có thể chọn vận động viên lên tuyển trẻ và đội tuyển. Cũng cần có chuẩn riêng cho các hạng mục này, chuẩn thế nào để đi đến SEA Games. Ví dụ, nhảy xa thì có 2 người nam, hai nữ. Nhưng cần phải tuyển chọn mới ra được đội đi SEA Games, người khác chưa đạt lại quay về chu trình huấn luyện.

Bỏ SEA Games sẽ làm mất đi một đấu trường sàng lọc thành tích, chuyên môn. Có người bảo tôi đưa đá cầu vào Olympic thì Việt Nam mới có cửa. Tôi bảo chưa chắc đâu, đưa môn ấy vào, người ta có thể hình người ta vẫn thắng mình.

Thậm chí, SEA Games còn phải làm rất cẩn trọng. Cần có sự chuẩn hóa và định hướng để tránh sa đà vào những chu trình không hồi kết, đâu là nhóm môn đặc biệt quan trọng, khi không có SEA Games thì sao. Ví dụ giờ thua Olympic thì về chuẩn bị cho SEA Games rồi ASIAD và lại SEA Games.

Tôi nói ta phải mạnh dạn, có nhiều giải vô địch Đông Nam Á ở các môn thì phải nỗ lực tham gia để cọ xát, sàng lọc. Các giải đấu đều có ý nghĩa riêng.

Cụ thể ở điền kinh, đây là môn cơ bản, có các giải lứa tuổi, nhiều môn khác cũng vậy. Thông qua đó, mình sẽ sàng lọc được vận động viên. Tuổi 11-13 có thể thi đấu nhiều môn, phát triển toàn diện, vài năm sau các vận động viên sẽ phát tiết ở các môn thể thao khác nhau và nội dung khác nhau.

Nhi Yến dự SEA Games 32 tại Campuchia.

- Indonesia vừa giành huy chương vàng ở môn leo núi thể thao - một môn còn rất mới. Đây có phải là con đường cho thể thao Việt Nam?

Môn leo núi thể thao mới được đưa vào Olympic, nhưng trước đó người ta đã thi đấu nhiều giải thử nghiệm,  khi thử nghiệm rồi thì sẽ đưa vào Olympic. Tôi thích quan điểm của ông Hoàng Vĩnh Giang về chuyện “đi tắt, đón đầu”. 

Indonesia đã có huy chương vàng nhờ lãnh đạo của họ nắm bắt xu thế của thế giới. Tôi từng phân tích rằng yếu tố người Việt Nam cũng chẳng thua gì các nước bạn cả. Khi thành tích mình chưa cao, vẫn phải nghĩ và quyết tâm bằng mọi cách nâng cao thành tích vận động viên, nhìn vào mốc có thể giành huy chương. Cần động viên, quan tâm nhưng phải sự có ưu tiên cho các nội dung.

Ví dụ như 3 môn phối hợp triathlon, khi thành lập liên đoàn chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, năm 2019 chẳng ai biết nhưng đó là môn Olympic. Hay như môn moto nước, thuyền buồm, lướt sóng chúng ta đều chưa có. Chúng ta chỉ xoáy vào những môn điền kinh, bắn súng, bơi, bóng đá… có từ xa xưa.

Đây là lúc cần mở rộng ra các nhóm môn khác. Phải xã xội hóa mạnh một số môn. Các môn không cần nhà thi đấu và sân vận động lớn thì càng phải tận dụng. Bây giờ cần có sự đánh giá kỹ càng cho từng môn.

- Vậy với các môn thể thao truyền thống lâu nay, theo ông chúng ta có định hướng thế nào?

Ví dụ, các môn yêu cầu sức mạnh như cử tạ, vật, võ thì phải đánh vào các hạng cân thấp nhất. Những môn cơ bản như điền kinh, bơi lội lại không làm thế được. Trước đây, môn đấu kiếm được du nhập vào Việt Nam khi lãnh đạo đánh giá rằng môn này cần sự khéo léo, phù hợp với người Việt Nam.

Nếu chỉ nói về đánh giá tổng quan, thất bại rồi tìm nguyên nhân là chuyện muôn thuở rồi. Trong cái khó cần ló cái khôn, nếu khó không làm hoặc làm nửa vời thì không nên.

Tâm thế của vận động viên và huấn luyện viên cũng phải thay đổi. Có người từng bảo lần đầu dự thì lo nhưng lần hai thoải mái như đi chơi. Như thế không phải là tinh thần của một vận động viên đỉnh cao.

Thu Vinh rất gần với tấm huy chương ở nội dung bắn súng.

Quay trở lại chuyện cũ, điền kinh có 48 nội dung thì phải chọn nội dung trọng điểm, trong nội dung ấy ta có vận động viên nào. Cần hướng đến Thế vận hội năm 2028 và thậm chí 2032. Bây giờ là giai đoạn gieo mạ, trồng lúa. Hãy xem xét lại rằng thể thao Việt Nam có khả năng thực sự tranh chấp huy chương ở đâu.

Đừng quên rằng ta có hàng ngàn km bờ biển, hãy tận dụng những nguồn lực như thế. Giống môn triathlon, một số vận động viên nước ngoài xin phép Hội An tổ chức giải đấu đầu tiên vì bãi biển quá đẹp. Nếu phân tích kỹ ra về thể trạng con người, ta có thể xây dựng kế hoạch để làm. Nước ngoài làm được ta cũng làm được.

- "Đi tắt, đón đầu" thế nào là phù hợp với thể thao Việt Nam?

Khi tôi bảo vệ, duy trì các nội dung nhảy xa, nhảy ba bước, cũng có ý kiến nọ kia. Khi đó chưa có huy chương ASIAD nào cả, tất cả hướng tới nội dung khác. Nhưng rồi, sự kiên trì cũng được đền đáp, khi ta có huy chương vàng ASIAD, kỷ lục SEA Games.

Với các môn Olympic, ta rất khó cắt ngắn các chu kỳ. Cần đủ thời gian thì mới có thể cải thiện thành tích một môn, khó đi tắt đón đầu. Ở đây, đi tắt chỉ là nhìn ra xu hướng phát triển của thể thao thế giới, xem cần cởi trói cho các môn thể thao nào và xã hội hóa. Các lãnh đạo đi kiểm tra từng quận huyện sẽ biết có bao nhiêu phòng tập, bao huấn luyện viên, đây là tế bào tạo nên thành tích cho thể thao đỉnh cao.

Các lãnh đạo đi là có nhiệm vụ của người ta, không phải đi chơi. Cần xem người ta tổ chức tập luyện, thi đấu ra sao để có huy chương. Nước ngoài có chiến lược cả. Tôi loại bỏ chuyện mua người nhập tịch, cái ấy mang tính tận dụng thôi.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Mai Phương

Tin mới