"Đến nay, tôi đã làm việc với Bộ Công Thương khoảng 20 cuộc họp về quy hoạch điện. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu rà soát lại và nhận ra được một số vấn đề bất cập, cần phải nghiên cứu sâu", Phó Thủ tướng nói tại hội nghị tổng kết ngành công thương sáng 9/1.
Theo Phó Thủ tướng, quy hoạch điện trước đây dự kiến 180.000 MW, nay hạ xuống khoảng 140.000 MW. Nhưng hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp lại đăng ký xin bổ sung quy hoạch lên 283.000 MW. Điều này, ông nhấn mạnh khiến Chính phủ "không biết giải quyết như nào".
Tại hội nghị, điện là một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh và dành nhiều thời gian nhất. Ông cho biết hạn chế của ngành công thương là quy hoạch điện lực, quy hoạch tổng thể điện lực quốc gia còn chậm. Cơ chế điều hành giá điện, giá FIT còn nhiều bất cập, cần nghiên cứu sâu.
Ông nêu dẫn chứng việc phân bổ nguồn điện chưa hợp lý dẫn đền đầu tư hệ thống truyền tải rất lớn, lên đến 33 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong khi đó năm 2010 - 2020, chỉ đầu tư khoảng 12 tỷ USD. Đồng thời, cơ cấu nguồn điện chưa phù hợp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch, điều phối điện rất quan trọng, phải nghiên cứu kỹ càng. (Ảnh: Quỳnh Danh).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 là ngành công thương cần tập trung chỉ đạo các quy hoạch ngành quốc gia đảm bảo chất lượng, đặc biệt là quy hoạch điện.
"Làm chắc, bảo đảm hiệu quả nhất, đầu tư phải tính toán, có công thức các cơ cấu loại điện... Tiền doanh nghiệp cũng là tiền của dân, tiền đường dây là tiền ngân sách", ông khẳng định.
Ông nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi xây dựng Quy hoạch điện VIII là vì lợi ích chung quốc gia, tính toán chặt chẽ trao đổi với các địa phương để chọn địa điểm phù hợp có hiệu quả đảm bảo tổng đầu tư phù hợp.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành công thương tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp, năng lượng, chế biến chế tạo, sản xuất giày da... Ngành điện và các đơn vị liên quan phải thực hiện đúng tiến độ tiến độ đầu tư các công trình xây dựng nguồn điện.
Phó Thủ tướng tham dự hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2021. (Ảnh: MOIT).
Đồng thời, cần có chuyên đề rà soát, đẩy mạnh xây dựng thị trường cạnh tranh vừa bảo đảm đủ điện vừa từng bước chuyển đổi công nghệ. Từ chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng thân thiện với môi trường. Nếu không có bước đi cụ thể sẽ không thực hiện được, nhưng thực hiện mà không cẩn thận sẽ thiếu điện.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị dừng hoạt động. Hàng không, cảng biển cũng ngưng trệ. Với những khó khăn sắp tới, Bộ Công Thương cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng ghi nhận những kết quả mà Bộ Công Thương đạt được trong năm 2021. Ông dành lời khen ngành dầu khí trong năm qua đã thực hiện mục tiêu vừa sản xuất vừa chống dịch.
"Hầu hết chỉ tiêu đều hoàn thành sớm hơn kế hoạch từ 1 - 3 tháng. Nộp ngân sách 12.600 tỷ đồng, lợi nhuận 41.900 tỷ đồng", ông đánh giá.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: MOIT).
Trong quan hệ hợp tác quốc tế, ngành cũng đạt kết quả quan trọng, đặc biệt trong vấn đề hợp tác khai thác trong vấn đề Biển Đông, nhất là quan hệ hợp tác với Liên bang Nga. "Trong năm qua, ngành dầu khí cũng đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ như dự án nhiệt điện Thái Bình", ông nhìn nhận.
Tuy vậy, ông lưu ý ngành dầu khí là ngành quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Hiện nay cần tập trung tăng sản lượng khai thác, chế biến, tối ưu hóa các quy trình công nghệ, tăng thu ngân sách. Năm 2021, thu ngân sách là 112.000 tỷ đồng, nhưng năm 2022 lại đề ra mục tiêu 64.600 tỷ đồng. Điều này cần lưu ý", ông nói.
Với ngành điện lực, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho biết, trong năm 2021 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ điện, duy trì sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế. Đầu tư hạ tầng lưới điện, phát nguồn tăng 11%, hơn 7.000 MW trong đó hơn 4.000 MW từ điện gió.
Về kết quả tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp là 4,8%, cao hơn so với năm 2020, Phó Thủ tướng đánh giá đây là sự cố gắng lớn.
"Trong quý III/2021, tốc độ tăng trưởng IIP âm 3,5%, nhưng sau khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ, đồng loạt doanh nghiệp sản xuất được phục hồi, nhờ đó quý IV tăng trưởng lên 6,5%, nhất là tháng 12 tăng 8,7%", ông lấy dẫn chứng.
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ cũng đánh giá cao sự tăng tưởng của xuất nhập khẩu. Đến quý IV/2021, riêng xuất khẩu tăng 95,6 tỷ USD. Trên cơ sở đó cán cân thương mại đã trở lại, trở lại xuất siêu 4 tỷ USD. Trong dịch COVID-19, ngành công thương làm tốt việc đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa phòng, chống dịch, tạo được niềm tin và sự an tâm của người dân.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, vấn đề quản lý thương mại biên giới còn nhiều bất cập, xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là tiểu ngạch, chiếm trên 70%. Tình trạng buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp.
Ông cho rằng, trong năm 2022 hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có nhiều biến động, ngành công thương cần bám sát diễn biến thị trường, thực hiện các giải pháp xuất khẩu bền vững lâu dài. Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, giải quyết các vướng mắc trong việc ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu, cảng biển, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Chính phủ giao các bộ, ngành từ tháng 9/2021 trước quy định nhập khẩu mới của Trung Quốc.
"Ngành công thương cần xây dựng, chương trình, phấn đấu giảm tiểu ngạch đồng thời phải kết hợp các bộ ngành đa dạng hóa thị trường, chuyển hàng về nhà máy, đưa vào tiêu thụ nội địa... Phía bạn sẽ thực hiện chiến lược Zero COVID, do đó chúng ta phải có giải pháp chủ động, không để bị động như hiện nay", ông chỉ đạo.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành công thương cần tiếp tục mở rộng thương mại nội địa, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối... Ngành công thương cần thực hiện đột phá về thể chế chính sách của Thủ tướng, phân cấp, phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khới thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.