Nhìn lại cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, tòa soạn có cuộc trò chuyện với TS. Vũ Dương Huân. Ông Huân nguyên là Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao.
Nhiều nguyên nhân đằng sau
- Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, Trung Quốc liên tục có những động thái làm xấu đi quan hệ giữa hai nước, như cắt giảm viện trợ, thúc đẩy Hoa Kiều Việt Nam hồi hương, hay giúp Khơ-me đỏ Campuchia tiến hành chiến tranh biên giới phía Tây Nam. Như vậy, nguyên nhân sâu xa của việc tấn công Việt Nam ở biên giới phía Bắc đầu năm 1979 có phải là nhằm làm suy yếu một nước Việt Nam thống nhất?
Tôi nghĩ việc Trung Quốc tấn công Việt Nam vào ngày 17/2/1979 là một sự kiện lớn, phải giải thích từ nhiều nguyên nhân, chứ chỉ đặt vấn đề là để Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia cũng là đúng, nhưng chưa đủ.
Tôi cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là quan hệ hai nước lúc này căng thẳng và Việt Nam có nhiều chính sách không phù hợp với mong muốn của Trung Quốc. Trung Quốc muốn khuất phục Việt Nam, muốn Việt Nam phải theo quan điểm, đường lối, chính sách của Trung Quốc, và phụ thuộc vào Trung Quốc. Cho nên có nhiều vấn đề, nhiều việc mà Việt Nam làm, khiến Trung Quốc không hài lòng.
Thí dụ, thứ nhất, chiến lược của Trung Quốc là tập trung vào tiến hành hiện đại hóa, thực hiện nhiệm vụ 4 điểm hiện đại hóa.
Thứ hai là chiến lược đối ngoại của Trung Quốc vẫn coi như Liên Xô và Mỹ là kẻ thù truyền kiếp và nguy hiểm.
Thứ ba, Trung Quốc muốn Việt Nam không ảnh hưởng lớn đến Lào và Campuchia ở Đông Dương, không tập hợp lực lượng ở đây. Và trên hết, Trung Quốc không muốn Việt Nam mạnh để hoàn toàn độc lập về đường lối, chủ trương, dẫn đến Việt – Trung kênh về đường lối, chủ trương, và sau đó là lợi ích.
Chiến lược của Việt Nam, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đã coi Liên Xô là đối tác hợp tác toàn diện, sau này còn nâng lên là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại.
Trong khi đó, Trung Quốc coi Liên Xô là kẻ thù, Trung Quốc hòa hoãn với Mỹ lúc ấy để chống Liên Xô. Liên Xô vẫn duy trì lực lượng rất lớn ở Mông Cổ và biên giới Trung Quốc, và Trung Quốc cho rằng đấy là mối đe dọa với họ.
Ngoài chiến lược hợp tác toàn diện với Liên Xô, Việt Nam đồng thời gia tăng quan hệ với khối SEV (Hội đồng Tương trợ Kinh tế), nghĩa là Việt Nam vào khối mà Trung Quốc chống.
Khía cạnh thứ hai về đối ngoại là Trung Quốc đã không muốn Việt Nam thắng lợi ở miền Nam và giải phóng đất nước, vì Việt Nam sẽ mạnh hơn, đồng thời mở rộng ảnh hưởng sang Lào và Campuchia.
Chính sách của Trung Quốc sau Hiệp định Geneva năm 1954 là chia cắt bán đảo Đông Dương thành những quốc gia nhỏ - Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, như thế Trung Quốc mới dễ dàng có vai trò chỉ đạo.
Trung Quốc cho rằng Việt Nam muốn xây dựng Đông Dương thành khu vực của mình, thành “tiểu bá”, và tuân theo “đại bá” Liên Xô.
Không thể chấp nhận được đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam, nên Trung Quốc muốn dạy cho Việt Nam một “bài học”.
Trung Quốc đã không muốn Việt Nam thống nhất đất nước, và năm 1974, lợi dụng tình hình chiến sự của ta, Trung Quốc công khai chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam có nêu lại vấn đề Hoàng Sa?
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tống Bí thư Lê Duẩn tháng 9/1975 và năm 1977, hai bên bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề biên giới lãnh thổ.
Ông Lê Duẩn chính thức phê phán Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam 1974 và chính thức đặt vấn đề là hai bên cần bàn lại vấn đề Hoàng Sa, nhưng Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ. Hai chuyến thăm đều không có đáp lễ và không có tuyên bố chung, vì hai bên không thống nhất được bất cứ vấn đề gì.
Hơn nữa, trong chuyến thăm đầu, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc, nước có quan hệ thân thiết với Khơ-me Đỏ, giải quyết quan hệ khúc mắc giữa Việt Nam với Campuchia, bởi sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày 2/5/1975, Khơ-me Đỏ đã tấn công Việt Nam, đến 10/5/1975 bắt đi 512 người, khiến quan hệ biên giới cực kỳ căng thẳng. Trung Quốc đã lờ đi.
- Vậy còn vấn đề nạn kiều, được họ khơi ra từ khi nào?
Chuyện này bùng nổ từ tháng 8/1978, khi Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản, chủ yếu đã động tới người Hoa ở Miền Nam. Hồi đó, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người Hoa, trong đó khoảng 70-80% ở Sài Gòn, chủ yếu là doanh nghiệp lớn, án ngữ kinh tế miền Nam.
Trung Quốc coi việc cải tạo công thương ở miền Nam là chiến dịch chống lại người Hoa, mà chính sách của Trung Quốc là coi người Hoa ở nước ngoài cũng là người Trung Quốc, phải bảo vệ, ủng hộ, giúp đỡ. Hồi đó, Việt Nam cũng có chính sách yêu cầu người Hoa ở miền Bắc, trở về nước.
- Nguyên nhân trực tiếp của việc Trung Quốc tấn công Việt Nam vào đầu năm 1979 có phải là nhằm yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia?
Tôi cho đó là nguyên nhân thứ hai tác động đến quyết định của Trung Quốc.
Ngày 7/1/1979, Việt Nam giải phóng Campuchia, sau hàng loạt hoạt động quân sự trước đó, như cuối 1977 - đầu 1978 Việt Nam chống trả 23 sư đoàn Campuchia tấn công Việt Nam.
Đến 23/12/1978, Việt Nam tấn công giải phóng toàn bộ phía Đông, và đến 7/1/1979 giải phóng Phnom Pênh, lật đổ toàn bộ chính phủ Khmer Đỏ. Đó là cái tát vào mặt Trung Quốc, và Trung Quốc phải “rửa mặt” bằng cách tấn công Việt Nam.
Trung Quốc dùng lực lượng quân sự 30 vạn quân đánh Việt Nam như thế, họ cũng tính toán chiến lược là Việt Nam phải rút lực lượng quân sự ở Campuchia về, bởi ở phía Bắc Việt Nam chỉ có một sư đoàn chủ lực. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho Khmer đỏ chống lại sức ép của Cộng hòa Nhân dân Campuchia.
- Còn việc Việt Nam ký Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô tháng 11/1978 có tác động gì tới quyết định của Trung Quốc tấn công Việt Nam?
Tôi nghĩ quyết định đánh Việt Nam có liên quan tới Hiệp định này nhằm phá sự liên kết, đoàn kết giữa Việt Nam - Liên Xô. Tôi cho đó là nguyên nhân chiến lược, vì Trung Quốc rất ngại khi Liên Xô duy trì khoảng 1 triệu quân ở biên giới Trung Quốc ở Mông Cổ.
Trung Quốc nhiều lần khẳng định đấy là sự đe dọa nguy hiểm với an ninh của nước này, cũng như nhiều lần đề nghị Liên Xô phải rút quân, nhưng Liên Xô cũng không bao giờ chấp nhận. Trung Quốc cho rằng nếu Việt Nam - Liên Xô ngày càng thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn sẽ đe dọa an ninh của họ, bởi phía Bắc là Liên Xô, phía Nam là Việt Nam, và họ bị kẹp hai đầu.
Qua việc tấn công Việt Nam năm 1979, họ sẽ thử phản ứng của Liên Xô. Nếu Liên Xô phản ứng tích cực, Trung Quốc sẽ tính toán được sự đe dọa của Liên Xô.
- Chuyên gia nước ngoài nói rằng một trong những nguyên nhân Trung Quốc đánh Việt Nam là thử sức mạnh của quân đội, hòng thúc đẩy chương trình hiện đại hóa quân sự, bởi quân đội Trung Quốc đã không trực tiếp chiến đấu kể từ chiến tranh Triều Tiên năm 1953?
Tôi cho rằng cũng có lý. Quân đội Trung Quốc mấy chục năm không qua chiến đấu, thử thách, đã tỏ ra lạc hậu. Tấn công Việt Nam là để thử sức cái gọi là lực lượng vũ trang Trung Quốc, đồng thời thử vũ khí, chiến thuật, và năng lực quân đội.
Về cơ bản Trung Quốc đã thất bại
- Theo ông, khi tấn công Việt Nam, Trung Quốc có dự tính đánh tới đâu không?
Đấy là câu hỏi chính Đặng Tiểu Bình cũng đã khôn ngoan trả lời, ngay sau khi Trung Quốc bắt đầu tấn công Việt Nam, rằng việc đánh Việt Nam bằng hoạt động quân sự là hạn chế về không gian và thời gian. Điều đó có hai cái lợi, là khẳng định rằng Trung Quốc chỉ “dạy bảo” thôi, chứ không thôn tính Việt Nam. Như vậy, phản ứng quốc tế bất lợi cũng đỡ hơn.
- Theo ông, qua kênh ngoại giao Việt Nam có biết Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam không? Nhất là khi trước đó Đặng Tiểu Bình tuyên bố là sẽ dạy cho Việt Nam một bài học?
Tôi nghĩ là lúc ấy hầu như không có ai suy luận được, không ai nghĩ là Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam bằng quân sự, vì ta có cái nhận thức từ xưa tới nay là XHCN không có mâu thuẫn đối kháng, không tấn công lẫn nhau.
Trên thực tế, sáng 17/2/1979, khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, Bộ Ngoại giao mới tập trung làm tuyên bố.
Tại sao khi tấn công Việt Nam, Trung Quốc lại sử dụng quân từ phía Bắc mà không phải ở phía Nam mà có thể là hiểu Việt Nam hơn?
Liệu có phải như cựu Tổng Lãnh sự ở Quảng Đông Dương Danh Dy từng kể, một lãnh đạo tỉnh Quảng Đông đã nói với ông rằng "chúng tôi và các ông (Việt Nam) còn gần gũi nhau hơn là phía Bắc (Bắc Kinh)"? Và trên thực tế quân Trung Quốc đã hành động hết sức dã man đối với bộ đội và nhân dân phía Bắc.
Trung Quốc rất giỏi toan tính về vấn đề này. Trung Quốc là một đất nước rộng mênh mông, người phương Bắc là những bộ tộc người khác, còn ở phía Nam họ cũng cùng với Việt Nam nằm trong Bách Việt, từ Nam sông Dương Tử trở lại đây là Bách Việt. Chính vì vậy dân Trung Quốc phía Bắc và phía Nam có sự khác nhau về dân tộc và văn hóa.
Đặng Tiểu Bình rất khôn ngoan khi không dùng người phía Nam, chủ yếu là dân tộc Choang, vốn cùng là dân Bách Việt với người Việt Nam, rất hiểu văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam, để đánh Việt Nam. Họ có thể sẽ không mạnh tay, không dã man như quân phương Bắc.
- Trong cuộc chiến này, phải chăng vì Việt Nam bất ngờ nên đã không có chủ trương tuyên truyền đối ngoại hợp lý?
Không phải. Cuộc chiến này chủ yếu liên quan tới Việt Nam, còn các nước như Campuchia hay Lào im lặng, Liên Xô và các nước XHCN khác tuy xác định Trung Quốc là nước có tư tưởng Đại Hán nhưng họ vẫn công nhận Trung Quốc là nước XHCN. Trong khi đó, Trung quốc đã tranh thủ được sự ủng hộ của các nước ASEAN và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chống lại việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia.
- Sau chưa đầy một tháng tấn công Việt Nam, Trung Quốc đã rút lui. Lý do có phải do thất bại nặng nề hay là do e ngại Liên Xô có phản ứng ở biên giới phía Bắc Trung Quốc?
Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân, nhưng đầu tiên cũng phải khẳng định rằng Trung Quốc tấn công Việt Nam bằng quân sự theo lịch trình của họ, bởi họ tuyên bố không thôn tính Việt Nam, và cuộc chiến này hạn chế về mặt không gian và thời gian.
Lý do thứ hai cũng không thể loại trừ, là thiệt hại của quân đội Trung Quốc vô cùng lớn. Một thống kê sau này cho thấy phía Trung Quốc có 62.000 người chết, thương vong rất nhiều, vũ khí đạn dược nhiều cái lâu không dùng bị thối, lực lượng dân công, hậu cần cũng gặp khó khăn, bởi các phương tiện rất lạc hậu.
Dư luận quốc tế cũng gây sức ép nặng, đòi họ phải rút quân.
Liên Xô đã tuyên bố rằng nếu Trung Quốc dừng kịp thời thì Liên Xô sẽ không can thiệp sâu, mặc dù Liên Xô và Việt Nam có ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, trong đó có điều 6 là hợp tác quân sự. Đó là nhân tố Trung Quốc phải tính đến, họ cũng ngại nếu can thiệp sâu quá, vượt quá “vạch đỏ” thì Liên Xô có thể tấn công ở phía Bắc, nơi Liên Xô có hơn một triệu quân.
Trước đó, Liên Xô huy động lực lượng quân sự ở mức vừa phải thôi, chủ yếu giúp Việt Nam vận chuyển quân đội từ Campuchia lên biên giới phía Bắc, cung cấp cho Việt Nam vũ khí, quân trang, quân dụng, và đưa cố vấn vào.
Còn một lý do quan trọng nữa, có lẽ là tình báo họ nắm được là chiều 5/3/1979 Việt Nam dự định tổ chức mít tinh tại Nhà hát lớn và công bố Lệnh Tổng động viên. Nhưng sáng 5/3 họ đã rút rồi, nên không có buổi mít tinh ấy nữa. Một khi có lệnh tổng động viên sẽ là vấn đề lớn, thành vấn đề Tổ quốc bị xâm lăng, chứ không còn là vấn đề chiến tranh biên giới nữa.
- Trung Quốc có đạt được mục tiêu khi tấn công Việt Nam?
Trung Quốc cũng đạt được một vài mục tiêu, nhưng cơ bản là thất bại.
TS Vũ Dương Huân
Trung Quốc đã đạt được mục tiêu thử phản ứng của Liên Xô, và biết rằng Liên Xô sẽ không đổ tiền đổ của vào để cứu Việt Nam bằng mọi giá. Mặt khác, qua đây họ kiểm tra lại khả năng quốc phòng, binh lính, hợp đồng tác chiến, và vũ khí của mình, nhận thức được quốc phòng, vũ khí của Trung Quốc quá lạc hậu, chiến thuật, chiến lược quá kém.
Tôi thấy Trung Quốc cũng đạt được một vài mục tiêu, nhưng cơ bản là thất bại.
Thứ nhất, mục tiêu bắt Việt Nam thay đổi chính sách thì ta không thay đổi, vẫn quan hệ chặt chẽ với Liên Xô và vẫn bất đồng quan hệ với Trung Quốc, và bất đồng lợi ích với Trung Quốc trong nhiều vấn đề.
Thứ hai, mục tiêu thứ hai bắt Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, thì tuy Việt Nam có rút bớt quân khỏi Campuchia, nhưng điều đó không tạo ra so sánh lực lượng ở chiến trường Campuchia có lợi cho Khơ me đỏ. Như vậy cũng không đạt yêu cầu.
Thứ ba là vấn đề đánh để giãn đồng minh chiến lược Việt Nam - Liên Xô cũng không đạt yêu cầu.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ.