Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chỉ 20% được tái chế sau sử dụng, còn triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm đi về đâu?

(VTC News) -

Rác thải nhựa xuất hiện mọi ngóc ngách trong đời sống, người tiêu dùng chỉ quan tâm tới sự tiện lợi của nó mà ít ai đặt câu hỏi: Chúng sẽ đi về đâu sau sử dụng?

Video: Rác thải nhựa ngập tràn đường phố, 'bức tử' sông hồ biển.

Theo chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp chuyên tái chế nhựa, trong điều kiện lý tưởng nhất, rác thải nhựa sau khi sử dụng sẽ được thu gom, phân loại rồi đưa về nhà máy xử lý, tái chế thành các sản phẩm nhựa đạt tiêu chuẩn để tái tung ra thị trường hoặc xuất khẩu.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng được tái tạo “vòng đời mới” như thế. Trên thực tế, phần lớn chúng sẽ được qua tay nhiều lần mà không ai nghi ngờ chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm…Hoặc rác thải nhựa được vùi lấp, thiêu hủy để biến thành chất độc hại, đe dọa sức khỏe của con người và âm thầm phá hoại môi trường.

 

Việc chai nhựa được tái sử dụng nhiều lần mà không qua bất kỳ công đoạn “sơ chế” nào đã không còn là hiện tượng hiếm, thậm chí hiện đang rất công khai, ngày càng phổ biến đến mức không ai còn thắc mắc nguồn gốc, chất lượng của chúng.

Quan sát tại một quán nhậu trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), PV thấy đủ loại vỏ chai nhựa đựng nước sau khi khách sử dụng và bỏ lăn lóc trên bàn, dưới đất. Sau đó, chúng lại được nhân viên nhanh chóng thu gom nhằm tận dụng để đựng rượu bán cho những vị khách đến sau.

“Rượu của quán chúng tôi là rượu gia truyền nhà làm, không đóng sẵn chai hay nhãn mác như ngoài các cửa hàng. Vì thế, chúng tôi phải tận dụng những chai nhựa hay thủy tinh có thể dùng được để chia nhỏ ra từng chai, phục vụ khách tại bàn”, chủ quán lý giải.

Anh này cũng thừa nhận, loại chai mà anh dùng để đựng rượu là những chai nước đã sử dụng hoặc bất kỳ chai nhựa nào anh tích trữ được. Điều đó đồng nghĩa, một chai có thể được dùng rất nhiều lần, qua tay rất nhiều người, sử dụng trong thời gian dài.

Trên chiếc xe máy lỉnh kỉnh chở theo khoảng 50 vỏ chai nước lọc dung tích 2,5 lít đã qua sử dụng đang len lỏi trên đường phố, ông Trần Văn Huyên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, nhà ông kinh doanh quán bia hơi. Ông thu gom số vỏ chai này để đựng bia bán cho khách mang về.

 

“Với những khách mua nhiều, chúng tôi vẫn đựng trong can, khách phải đặt cọc hoặc trả tiền can khi mua bia. Còn với những khách mua ít, chúng tôi đựng trong chai nhựa và miễn phí cho khách tiền chai. Số chai này tôi mua tại các cơ sở thu gom đồng nát.

Với 50 chiếc vỏ chai, tôi chỉ mất 20.000 đồng. Cứ vài ngày dùng hết tôi lại đi mua tiếp. Chưa bao giờ tôi hỏi rõ những chai này trước kia dùng để đựng gì, đã được xử lý ra sao. Sau khi mua về, tôi cũng xúc rửa cẩn thận nhưng tất cả công đoạn đều làm thủ công”, ông Huyên thật thà nói.

 

Tại chợ dân sinh, các chai nhựa sau khi sử dụng cũng được tận dụng để đựng các gia vị như dấm bỗng, mẻ, mắm tôm, nước ngô…được bày bán la liệt hàng ngày. Các bà nội trợ vẫn thản nhiên mua về mà không quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, không quan tâm đến “vòng đời bất tử”, đã từng qua tay rất nhiều người trước đó của mỗi chai nhựa.

Tương tự, nhiều tiểu thương, bà nội trợ cũng vô tư sử dụng lại những túi nylon như một thói quen cố hữu, dù giá của chúng vô cùng rẻ mạt.

 

Kể về việc đi mua chai nhựa, ông Huyên chia sẻ thêm: “Dễ như trở bàn tay. Cứ ra những cửa hàng phế liệu, chuyên thu mua đồ đồng nát thì muốn mua bao nhiêu cũng có, cả mới lẫn cũ. Nhiều khi tôi đến, thấy họ vừa lấy hàng về, tôi lấy luôn cho tiện”.

Thật đáng sợ, bởi sau khi bị vứt bỏ, hàng trăm, hàng nghìn chai nhựa chưa kịp đến xưởng tái chế đã quay lại thị trường để được tái sử dụng nhờ những người có nhu cầu như ông Huyên.

Xác nhận mỗi tháng, hàng nghìn vỏ chai nhựa sau sử dụng được gom lại để bán cho đồng nát, anh Nguyễn Quốc Việt, quản lý nhà nghỉ Win Hotel (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, có những tháng cao điểm, cách vài ngày anh lại phải gọi người vào thu gom vì số lượng vỏ chai quá nhiều.

 

Không ít lần, anh Việt gặng hỏi người thu gom đồng nát rằng sau khi thu mua chai nhựa xong thì làm gì? Anh nhận được câu trả lời: Phần lớn chưa kịp bán vào hàng đồng nát thì đã có người hỏi mua. Đó phần lớn là những người buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ, thường có thói quen sử dụng chai nhựa nhiều lần.

Còn chị Nguyễn Thị Tâm (quê Nam Định) - người chuyên gom vỏ chai nhựa cho biết, ngoài khách sạn trên, chị còn có một số nhà hàng và khách sạn quen thường xuyên gọi đến thu mua vỏ chai nhựa đã qua sử dụng.

“Mỗi tháng tôi nhặt nhạnh được khoảng gần một tạ vỏ chai nhựa. Số chai này phần nhiều tôi bán lại cho những nơi thu mua phế liệu, họ xử lý ra sao tôi cũng không biết. Còn phần nhỏ, tôi bán trực tiếp cho các mối quen như nhà hàng, người bán ở chợ. Họ có nhu cầu khá thường xuyên nên việc mua bán khá thuận tiện ”, chị Tâm nói.

 

Theo sự chỉ dẫn của nhiều người làm nghề thu mua vỏ chai nhựa, PV đã tìm về thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội), địa phương nổi tiếng với nghề tái chế nhựa phế thải.

Từ đầu đường vào thôn, chúng tôi đã choáng ngợp trước “núi” vỏ chai nhựa các loại được xếp thành từng đống lớn và đang chờ công đoạn xử lý, sơ chế. Tiếng máy móc ầm ầm vang khắp thôn xóm.

Bà N.T.T., chủ một trong những cơ sở tái chế lớn nhất nơi đây cho biết, trung bình mỗi tháng, cơ sở của bà sơ chế được khoảng 20 tấn vỏ chai nhựa mua từ các đại lý thu gom trên địa bàn Hà Nội.

Theo bà T., sau khi những vỏ chai nhựa được thu gom về, sẽ có công nhân phân loại, xé bỏ nhãn mác. Sau đó, những vỏ chai này được cho vào máy nghiền để sơ chế thành các vụn nhựa.

 

“Cơ sở của tôi chỉ sơ chế bước đầu, sau đó sẽ chuyển nhựa được nghiền từ các vỏ chai đã qua sử dụng lên một cơ sở ở Hưng Yên. Tại đây, người ta sẽ sử dụng nhựa này để tái chế thành các sản phẩm khác. Sản phẩm đó là gì thì phụ thuộc theo đơn hàng và nhu cầu sản xuất của họ, chúng tôi cũng không nắm”, bà T. thông tin.

Tương tự, cơ sở sơ chế nhựa của ông Trần Văn Biển (Nam Trực, Nam Định) cũng thực hiện sơ chế các vỏ chai nhựa để chuyển cho một số nhà máy tại Hưng Yên tái chế. Theo ông Biển, lượng nhựa tái chế này có thể được sử dụng làm đồ chơi trẻ em, hộp nhựa, cốc nhựa...để bán ra thị trường với giá rẻ.

Tuy sơ chế chai nhựa hàng ngày nhưng cả bà T., ông Biển và nhiều chủ cơ sở tái chế khác thừa nhận, đây chỉ là con số rất nhỏ, không thấm vào đâu so với số chai nhựa được thải ra mỗi ngày. “Chúng được chuyển đi những đâu và biến hóa, sử dụng như thế nào thì chúng tôi cũng không thể biết. Nhưng ở đây, đúng là có hiện tượng đốt những rác thải nhựa không thể tái chế vì chúng không còn khả dụng”, ông Biển xác nhận.

Còn tại “thủ phủ” sản xuất túi nylon nằm ngay trung tâm Hà Nội (phố Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), hàng chục cơ sở kinh doanh nhựa tái sinh hoạt động từ nhiều năm qua. Bước vào đầu phố, một mùi khét lẹt đã bao trùm bầu không khí. Dọc đường, hàng trăm bao tải lớn nhỏ chất đống chờ vận chuyển đến nơi tái chế.

 

Chủ một hộ sản xuất tại đây cho biết, số lượng túi nylon được thu gom từ nhiều nguồn. Sau khi tập kết về bãi sẽ cho người vệ sinh thủ công, phơi khô và cuối cùng là nấu chảy thành các hạt nhựa tái sinh chuyển cho cơ sở sản xuất các sản phẩm nhựa khác, trong đó có cả túi nylon.

“Mỗi ngày chúng tôi thu gom được khoảng gần 1 tấn túi nylon, ngày nhiều có thể thu tới 1,5 tấn và thực hiện tái sinh thành các hạt nhựa ngay trong 1-2 ngày. Giá hạt nhựa được bán cho các cơ sở sản xuất từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Chúng tôi không sản xuất túi trực tiếp”, người này nói và tiết lộ thêm, với những hạt nhựa tái chế từ bao tải dứa, túi rác thì sẽ cho ra hạt nhựa có màu đen sì kèm mùi nồng nặc, những sản phẩm này có giá rẻ hơn.

Nhắc tới giá thành túi nylon sử dụng nguyên liệu từ hạt nhựa nguyên sinh, chủ một cơ sở sản xuất ở xã Vân Côn (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, loại này có giá đắt hơn (khoảng 45.000 đồng/kg) nhưng những cơ sở sản xuất không nhiều.

 

Thông tin với VTC News, TS. Nguyễn Lê Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings - cho biết, thông thường có 4 phương án xử lý chính đối với rác thải nhựa đã qua sử dụng, gồm: Tái sử dụng, tái chế, chôn lấp và đốt. Trong đó, gây hại nhất cho môi trường là chôn lấp và đốt.

“Phương án tốt nhất là tái chế, sau đó là tái sử dụng. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm nhựa đều có thể tái sử dụng trực tiếp sau khi làm sạch, chưa kể công đoạn vệ sinh cũng khó đảm bảo” - TS. Nguyễn Lê Thăng Long chia sẻ và  nêu rõ, trong lĩnh vực tái chế, rác thải nhựa lại được chia thành hai phần là tái chế đóng và tái chế mở.

Tái chế đóng là với sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, người ta thu gom về làm thành hạt nhựa và tạo thành sản phẩm y hệt như thế, đây là phương án tốt nhất bởi nó vẫn giữ nguyên giá trị. Tái chế mở là với rác thải nhựa này, qua các bước tái chế có thể trở thành các sản phẩm khác có giá trị thấp hơn như các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh, việc xử lý rác thải nhựa còn rất nhiều hạn chế khi chỉ có 20% được tái chế và 80% được xử lý theo cách chôn lấp hoặc đốt. Và đây cũng chính là hai con đường gây rất nhiều nguy hiểm cho môi trường của rác thải nhựa sau sử dụng.

 

“Rác thải nhựa khi bị chôn lấp sẽ làm đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Còn khi xử lý rác thải nhựa bằng cách đốt thì sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe con người”, ông Long nhấn mạnh.

Một chuyên gia khác thông tin, hiện đa phần người dân vẫn chưa có ý thức phân loại rác thải nhựa sau khi sử dụng. Vì thế, việc chúng bị thất thoát ra môi trường, vứt bừa bãi, mắc kẹt trong cống rãnh, xó xỉnh là vô cùng phổ biến. Thực trạng này sẽ cản trở sự lưu thông của dòng nước, tạo nơi ở cho vi sinh vật độc hại phát triển và gây tắc nghẽn, ngập úng…

Theo ước tính phải mất tới 450 - 1.000 năm trong môi trường nước biển thì một rác thải nhựa mới bị phân hủy hoàn toàn.

Ghi nhận trong nhiều ngày của PV VTC News tại nhiều bãi rác lớn, nhỏ và dọc nhiều tuyến đường ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, cho thấy, rất nhiều vỏ chai nhựa, túi nylon sau khi sử dụng không được phân loại đã bị xả thải trực tiếp ra bờ mương, cống rãnh, thậm chí là sông, biển, khu du lịch…Tình trạng này vừa làm mất cảnh quan vừa tạo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Điều đáng nói, Việt Nam cũng chưa có chế tài để kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, tái chế rác thải nhựa. Hầu hết các cơ sở tái chế chỉ có năng lực hạn chế, tự phát, được thực hiện tại các làng nghề thủ công, lạc hậu. Thực trạng này càng dễ đẩy rác thải nhựa vào con đường bị chôn vùi hoặc đốt, tạo chất kịch độc đến đời sống con người.

Theo “Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022” của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT), khối lượng chất thải nhựa phát sinh tại Việt Nam ghi nhận được lên tới 2,9 triệu tấn/năm.

Trong số 2,4 triệu tấn chất thải nhựa được thu gom, chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn, thất thoát ra môi trường nước khoảng 0,07 triệu tấn.

 

Nguồn:

Tin mới