Tối 7/11/2020, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương năm 2020. Chương trình có sự phối hợp, tham gia của các Bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể Trung ương; UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn... trên quy mô toàn quốc.
Phát biểu tại Chương trình, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: "Việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho gần 100 triệu người tiêu dùng không dễ dàng, nhưng chúng ta đang có những thuận lợi hết sức cơ bản. Do đó, điều cần làm ngay là khẩn trương xây dựng ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm, xác định được nhu cầu kết nối của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để hỗ trợ cho “trúng” cho “đúng”, mang lại hiệu quả cao".
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải cho biết, bên cạnh việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách về quản lý An toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực chịu trách nhiệm, Bộ Công Thương tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể kể đến như tư vấn xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến bảo đảm chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm....
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua, đơn vị này đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam vào các chuỗi siêu thị của doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam, đưa hàng Việt ra nước ngoài, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia, khuyến công, khoa học công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ ngành kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại chương trình.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định công tác quản lý an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, và tập trung vào mấy 4 nội dung chính. Thứ nhất, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan đoàn thể chính trị-xã hội về tuyên truyền, vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý; gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, chống sản xuất, kinh doanh hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn.
Tại Chương trình, Ban Tổ chức đã trao kỷ niệm chương cho các doanh nghiệp cam kết tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ngành Công Thương. Trước đó, Lãnh đạo Bộ Công Thương và Lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương, đại diện các doanh nghiệp đã tham quan khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm thực phẩm an toàn của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Sáng 6/11/2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương. Đây là một trong những hoạt động chính, nổi bật trong chuỗi các sự kiện thuộc Chương trình “Hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương” năm 2020.
Chương trình thực hiện trong khuôn khổ Dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số và có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng đại diện hiệp hội ngành hàng; cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và các cơ quan thông tấn báo chí.
Tại Hội nghị, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế đã thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm thực phẩm an toàn, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi liên kết thực phẩm an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ.
Đáng chú ý, Hội nghị đã thu hút gần một trăm đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đến từ khắp các vùng miền và các đơn vị phân phối lớn như: Liên hiệp Các hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Sài gòn Co.op), Công ty TNHH MM Mega Market, Tập đoàn Central Retail, Công ty TNHH Bán lẻ BRG, Công ty Cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh, Liên hiệp HTX tiêu thụ Nông sản an toàn Việt Nam ( UCA), Trạm dịch vụ V52 Hải Dương, Công ty cổ phần Bữa ăn an toàn (BAAT group),... Các bên đã cùng tìm hiểu nhu cầu, thông tin sản phẩm, đi đến các thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm cũng như định hướng thị trường.