Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bắc Ninh phát phiếu 3 ngày đi chợ 1 lần

(VTC News) -

Mỗi hộ gia đình ở Bắc Ninh cứ 3 ngày được đi chợ 1 lần để mua hàng hóa thiết yếu, và mỗi gia đình sẽ được phát 5 thẻ vào chợ trong 15 ngày.

Ngày 18/5, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản hỏa tốc về việc tăng cường các biện pháp triển khai cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Đáng chú ý, tỉnh cũng giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ cho người dân trên địa bàn.

Cụ thể, mỗi hộ gia đình cứ 3 ngày được đi chợ 1 lần để mua hàng hóa thiết yếu; mỗi hộ gia đình sẽ được phát 5 thẻ vào chợ trong vòng 15 ngày. Thẻ vào chợ có giá trị sử dụng 1 lần/lượt bất kỳ.

Chợ trung tâm huyện Thuận Thành vắng lặng do dịch COVID-19.

UBND tỉnh Bắc Ninh giao các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng, UBND các phường, xã, thị trấn in “Thẻ vào chợ”, gửi đến Tổ dân phố/Trưởng thôn để phát cho các hộ gia đình; học sinh, sinh viên, người lao động thuê nhà trên địa bàn (có mẫu thẻ vào chợ kèm theo).

Các doanh nghiệp, Ban Quản lý/Tổ quan lý các chợ trên địa bàn bố trí lực lượng kiểm soát, thu lại Thẻ khi người dân vào chợ và lưu giữ thẻ theo ngày để phục vụ quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết. Các đơn vị chức năng bố trí lực lượng tăng cường kiểm soát tại các cổng chợ, trang bị nước rửa tay sát khuẩn; yêu cầu người mua hàng giữ khoảng cách, đeo khẩu trang trong suốt thời gian họp chợ.

 

 “Thẻ vào chợ” được phát cho người dân

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo đối với các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các trường hợp sau: 

Trung tâm thương mại (chỉ gồm siêu thị tổng hợp, siêu thị mini); Chợ dân sinh (gồm các gian hàng hóa thiết yếu: lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả, đồ khô, quầy thuốc chữa bệnh); Các cửa hàng tiện lợi (không bao gồm dịch vụ ăn uống tại chỗ), cửa hàng cung cấp thức ăn không tập trung tại chỗ;

Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa quả trái cây; Cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm; Các cửa hàng kinh doanh vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; Các cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh;

Ngoài ra, có 10 dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động, bao gồm: Dịch vụ bưu chính, viễn thông, truyền hình; Dịch vụ ngân hàng, thanh toán điện tử, chứng khoán; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như: công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp;

Dịch vụ bảo vệ; Cửa hàng kinh doanh nhiên liệu (xăng dầu, gas, khí đốt, than…);   Dịch vụ tang lễ, mai táng, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội;

Các cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư hóa chất phòng chống dịch động vật;  Cơ sở lưu trú du lịch (không bao gồm dịch vụ lưu trú theo giờ và khách du lịch);

Dịch vụ cung cấp điện, nước, vệ sinh môi trường; Dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng hóa là nguyên liệu phục vụ các cơ sở sản xuất;

Dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa; Dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó có các biện pháp: tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế; Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp.

Văn Chương

Tin mới