Ngày 24/12, chị Nguyễn Thị T. (34 tuổi, ngụ tại huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) nhập viện tại Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ với chẩn đoán mang thai lần 2, thai 34 tuần, ngôi đầu có vết mổ cũ, theo dõi nhau cài răng lược.
Qua thăm khám kết hợp các kết quả chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ xác định sản phụ T. bị nhau tiền đạo cài răng lược bám toàn bộ vào cơ tử cung xâm lấn đến bàng quang, tình trạng rất nguy hiểm.
Một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa gồm sản phụ khoa, niệu khoa, gây mê hồi sức, huyết học... được tổ chức. Lúc 9h20 ngày 24/12, chị T. được phẫu thuật lấy thai.
Trong quá trình phẫu thuật, do vị trí nhau thai bám chặt, đâm xuyên cơ tử cung và xâm lấn sâu vào bàng quang nơi có nhiều mạch máu tăng sinh phức tạp, nên các bác sĩ buộc phải phẫu thuật lấy thai, cắt tử cung của sản phụ thay vì bóc tách nhau.
Đây là cách duy nhất giúp sản phụ thoát nguy cơ mất mạng do xuất huyết trầm trọng, tổn thương tử cung cùng các cơ quan lân cận.
Với sự phối hợp nhịp nhàng của chuyên gia các chuyên khoa, chị T. “vượt cạn” an toàn. Con gái chị chào đời khỏe mạnh, nặng 2,3 kg.
Sản phụ T. sau mổ.
Bác sĩ Đỗ Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng khoa Sản bệnh cho biết, nhau tiền đạo cài răng lược là tình trạng nhau thai bám đoạn dưới tử cung, vị trí mà lớp cơ tử cung mỏng, mạch máu nuôi nghèo nàn nên các gai nhau dễ lan rộng và cắm sâu vào lớp cơ tử cung.
Thậm chí nhau thai có thể xuyên thủng cả lớp cơ tử cung, xâm lấn vào các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột. Đây một bệnh lý nguy hiểm, góp phần làm tăng tai biến xuất huyết và thiệt mạng trong lúc sinh mổ.
Thai phụ bị nhau tiền đạo, có sẹo mổ lấy thai, tiền căn bóc nhân xơ tử cung; sinh con nhiều lần, tiền sử nạo phá thai nhiều lần là những người có nguy cơ bị nhau cài răng lược cao hơn.