- Kiếm tin về chị gần đây khó quá. Chị "ế" show hay không nhận nhiều?
Thời này, không chỉ tôi mà nhiều người khác cũng bị ế. Vì gameshow nhan nhản, mở kênh nào cũng thấy nên bây giờ không mấy ai tổ chức show. Ai mời show thấy hay, thích và tình cảm lắm tôi mới đi. Chủ yếu đi hát để gặp lại anh chị em trong nghề chứ người bây giờ đau lên, đau xuống không thể đi lại hay đứng lâu như trước được.
Cá nhân tôi không thích chạy show quá nhiều, show nào cũng nhận rồi lên sân khấu đứng hát lảm nhảm, nói lèm bèm, tôi nhìn vào còn tự thấy chán, nói gì khán giả.
Chẳng thà lâu lâu xuất hiện, người ta sẽ quý. Tôi từ trẻ đã như thế, thà bụng đói không ai biết chứ không để người ta o ép mình vì tiền. Bây giờ, tôi càng không thể vì sợ ế show mà lao đầu kiếm show.
- Trong giới đồn ca sĩ Ánh Tuyết giàu lắm, có nhiều nhà đất không đếm xuể. Đây có phải là nguyên do chính khiến chị không cần chạy show kiếm tiền?
Họ thích thì nói, tôi đâu biết (cười lớn). Tôi không hề nghĩ mình giàu có, bởi cuộc sống và tính cách tôi đơn thuần từ hồi xưa đến giờ. Thật sự mấy năm qua do tôi âm thầm kinh doanh bất động sản nên họ tưởng thế.
Tính tôi rất quyết đoán nên khi mua hay bán cũng rất nhanh. Nhưng nhiều khi tôi cũng ngẫu hứng, thích là mua cho bằng được, vui thì bán rất tình cảm.
- Kiểu kinh doanh "nghệ sĩ" như vậy, lỡ thua lỗ thì sao?
Điều này kể ra cũng lạ, tôi kinh doanh mảng nào cũng chưa từng thua lỗ; chỉ riêng văn nghệ là... dễ phá sản. Mấy năm mở phòng trà, tôi đa phần lấy tiền túi bù lỗ. Có lẽ, tôi không thể kiếm tiền bằng việc vắt kiệt sức anh em nghệ sĩ. Tôi cũng quý khán giả của mình nên không muốn thu nhiều tiền của họ.
Việc kinh doanh bất động sản cũng là một cái duyên. Mười mấy năm trước, tôi mua đất mà không có chút xíu hiểu biết nào, cứ thấy rẻ là mua. Nhiều lần mua đất, tôi còn không buồn đi coi. Tôi đọc báo thấy ở đâu đất rẻ và ưng ý là gọi điện trả giá theo túi tiền mình có, họ đồng ý thì mua khỏi mất thời gian. Ngay cả người bán cũng không tin nổi sao có người mua đất kiểu như vậy. Anh tôi nói: "Con ni hắn mua đất mà cứ như mua củ khoai". (cười)
Ban đầu, tôi chỉ mua đất ở Sài Gòn, rồi tới Long Thành, Bà Rịa, Vũng Tàu, Củ Chi, giờ đang là Hội An. Và cứ thế, hết mua lại bán. Nên bạn hỏi có nhiều nhà không tôi không thể trả lời.
Năm trước về Hội An, tôi có mua mấy mảnh vườn. Ông xã tôi thích làm vườn tược, tôi thích sắp đặt vườn theo ý thích của mình. Tôi có cái nhà vườn ở Hội An, ngay trung tâm phố cổ. Họ thấy đẹp nên thuê làm nhà hàng rồi.
- Một Ánh Tuyết từng rất ngô nghê với tiền bạc, thậm chí bị quỵt tiền… mà bây giờ kinh doanh "có nghề". Chị đã thay đổi mình như thế nào?
Tôi có thay đổi gì đâu. Từ bé, cứ mỗi chiều về, tôi làm một quầy hàng bán bánh trái, hoa quả, thuốc lá… mà bán một lời một, thậm chí một lời hai, tôi tính toán cũng ghê gớm lắm! Mẹ thấy tôi có tiền nhiều, tưởng tôi lấy cắp của bà.
30 năm trước, tôi chỉ có đúng hai bàn tay trắng, nghèo hơn cả nghèo. Tôi nói với cô bạn, ước có tiền mở phòng trà, mua nhà, mua xe. Bạn tôi mắng: “Cơm không có ăn, đói vêu mỏ, ngồi đó mà ao với ước”.
Tính tôi gan liều lắm, hồi trẻ ai chê bai, thách đố tôi, tôi không nói gì, chỉ âm thầm làm hoàn chỉnh cho biết. Không phải tôi làm để chứng tỏ hay “dằn mặt” ai, mà là tôi muốn thách đố chính mình.
Tôi không phủ nhận chuyện cho bạn mượn tiền rồi không ai trả, mất tiền, mất luôn cả bạn, còn bị tiếng xấu. Nhưng giờ tôi quên hết rồi và họ cũng vì hoàn cảnh thôi.
Có tiền khác với không có tiền ở chỗ làm gì cũng dễ hơn một chút. Chỉ có tôi là không thay đổi. Ngồi trên đống vàng thì tôi vẫn là Ánh Tuyết mọi người đã biết.
- Với nhiều nghệ sĩ nhà cửa, áo quần, xe cộ... cũng là một phần hình ảnh. Chị giàu như vậy mà chỉ trong giới biết?
Có người từng hỏi thẳng, rằng tôi làm ca sĩ mà không có hàng hiệu, không có xe, đi hát có bị mặc cảm không? Tôi chỉ cười. Tôi thích sống bình dân như mọi người. Nếu được, khi ra đường, tôi muốn không ai nhận ra mình cho thoải mái. Từ bé đến giờ, tôi thấy cái áo nào hợp là mua mặc, không quan tâm đắt hay rẻ.
Tôi cũng không thích sắm xe vì thực trạng giao thông Sài Gòn phức tạp. Bản thân tôi đau lên đau xuống, tôi chăm mình không xong, hơi đâu chăm xe. Nên mấy chục năm nay tôi vẫn đi taxi cho khỏe. Nhưng mai mốt về Hội An sống, chắc tôi cũng mua một chiếc nho nhỏ chạy cho vui.
Chắc bạn nghĩ tôi cao siêu, nhưng hồi trẻ tôi cũng như bao người, thích đi xe xịn, thích điệu đà. Nhưng đến một độ tuổi nhất định, tôi thấy tất cả đều không cần thiết. Có người không dám ra đường vì bộ quần áo mình đang mặc. Tôi nghĩ, nếu tư chất của bạn hạn chế có mặc cả tấn hàng hiệu cũng không đẳng cấp hơn..
Khi tôi chết, hãy hỏa thiêu, đừng chôn cất hay thờ cúng
- Hội An có gì hấp dẫn mà chị bỏ nơi phố thị xa hoa như Sài Gòn về đó sống?
Tôi tính mai mốt sẽ dẹp công ty rồi cùng chồng dọn về Hội An sống. Bây giờ, tôi chỉ mong tìm một nơi an tĩnh. Con người ở Hội An cũng hiền lành, ấm áp. Ở đây, chúng tôi có thể đạp xe ra biển vào mỗi sớm chiều. Nếu vui, chúng tôi sẽ uống cafe cùng nhau, hẹn gặp bạn bè. Tôi xây villa vừa để ở, thư giãn vừa để kinh doanh cho có việc làm đỡ nhàm chán.
- Kế hoạch "nghỉ hưu" có nên được hiểu là chị đã viên mãn?
Tôi không viên mãn, trái lại, tôi đã rất khổ gần một đời người. Tôi từng "cày" không chừa một thứ gì nên đầu óc ít khi nào thảnh thơi. Ở tuổi này, tôi vẫn chưa viên mãn và vẫn thích làm việc.
Thời xưa, chúng ta quan niệm “ở không cho sướng”, khi có tuổi phải về vui thú điền viên, an hưởng tuổi già. Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác. Tuổi càng cao, bạn càng nên tìm việc để làm; người ăn không ngồi thường đầu óc sẽ sớm thoái hóa, lẩn thẩn và thụ động.
Nếu không nhờ chăm chỉ làm việc, chắc tôi chết lâu rồi. Vì người bệnh tật nhiều sẽ dễ bi quan. Có lần lên bàn mổ, bác sĩ nói: "Nếu mổ, một là chết, hai là liệt". Tôi nói cứ mổ đi, chết sống có số. Tôi tâm niệm sinh ra một lần mà chết cũng một lần, chỉ là sớm muộn thôi, có gì mà sợ.
Tôi ở đâu thì ở nhưng hát vẫn hát thôi. Tôi đã tính khi nào lo xong chuyện hậu vận sẽ quay trở lại chơi vui trong văn nghệ.
- Chồng con chị nói gì về dự định này?
Cả chồng và con tôi đều rất thích Hội An. Nhưng cháu còn trẻ, tháng 12 này cháu tốt nghiệp thạc sĩ. Có lẽ cháu sẽ ở lại châu Âu làm việc. Nhiều khi tôi cũng nhớ con lắm chứ, chỉ là không muốn khiến cho cháu phân tâm thôi, không biết nó có nhớ tôi không nữa. (cười)
Lớp trẻ bây giờ mang tư duy khác xưa, con tôi rất độc lập, không dựa vào điều kiện của cha mẹ. Tôi vui không phải vì con không tiêu tiền của mình, mà vì con có ý thức sống với bản thân trong xã hội. Sau này, tôi có mất đi cháu vẫn phải sống tiếp, với vợ con và tương lai của cháu.
Thời xưa, đúng là “già cậy con” nhưng riêng tôi không mong gì điều đó. Tôi quan niệm nếu vì ý muốn cá nhân bắt con phải dừng công việc, dừng cuộc sống bình thường để về ở bên mình thì ích kỷ lắm. Nếu mất đi, tôi muốn được hỏa thiêu rồi rải về thiên nhiên, không cần chôn cất hay thờ cúng gì cho khổ con cháu. Tôi tâm niệm chết là hết. Ai nhớ mình thì nén hương lòng là đủ.
- Khi đã có tuổi, Ánh Tuyết tự mình hạn chế xuất hiện, sống lặng lẽ và tránh xa những thị phi trong nghề. 50 năm ca hát, chị không có một danh hiệu nào, ngoài “ca sĩ Ánh Tuyết”, chị có chạnh lòng?
Tôi thích được gọi là ca sĩ Ánh Tuyết, giản dị như thế
Ca sĩ Ánh Tuyết
Tôi thích được gọi là “ca sĩ Ánh Tuyết” giản dị như thế. Nếu đủ bình tĩnh, bạn sẽ thấy danh hiệu không hơn gì một sự tô màu. Quan trọng nhất là thực chất, danh hiệu không làm bạn đẳng cấp hơn nếu không thực chất. Ở một góc độ nào đó, nghệ sĩ cần được công nhận thành quả lao động, nhưng công nhận như thế nào cho phải? Nếu bắt tôi đi xin thì miễn đi.
Nghệ sĩ phải đi xin danh hiệu là tự làm nhục bản thân. Nếu gọi là “trao tặng” thì vì sao nghệ sĩ chúng tôi phải làm đơn xin, phi lý lắm.
Thời gian gần đây, tôi có nghe tin các nghệ sĩ cải lương gạo cội bị trượt danh hiệu mà thấy buồn. Lẽ ra, việc trao danh hiệu để tri ân cho những đóng góp của họ là việc các nhà quản lý phải tự làm, đừng đợi họ đi xin.