Mặc dù, thực tiễn thời xưa không có phương pháp điều trị cụ thể đối với dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 gây nên, một số chuyên gia cho biết, đã chứng kiến tỷ lệ bệnh nhân phục hồi sau khi sử dụng kết hợp các bài thuốc của y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) và thuốc tây cao hơn so với khi điều trị bằng các phương pháp chính thống.
Một số bác sĩ sử dụng kết hợp y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Ông Từ Nam Bình, Thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Trung Quốc cho biết, khoảng 85% bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ở Trung Quốc đã được điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền Trung Quốc và thuốc tây.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng quy định việc sử dụng TCM cùng với các loại thuốc tây trong hướng dẫn điều trị cho những người nhiễm SARS-CoV-2.
Song Juexian, một bác sĩ của khoa TCM và Tây y kết hợp tại Bệnh viện Xuanwu, Bắc Kinh cho biết, y học cổ truyền Trung Quốc có lợi trong việc tăng cường cân bằng nội môi (duy trì sự ổn định môi trường bên trong cơ thể) cho bệnh nhân.
“Y học cổ truyền Trung Quốc đã có từ ít nhất 3.000 năm trước, đây là phương pháp có hiệu quả từ ngày xưa và vẫn đang tiếp tục được phát triển. Tôi tin rằng việc sử dụng kết hợp TCM và Tây y sẽ mang lại hiệu quả tốt”, bác sĩ Song Juexian cho biết.
Phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Bắc Kinh Gao Xiaojun cũng mong muốn thúc đẩy việc sử dụng phương pháp cổ truyền này và cho rằng TCM đóng góp đáng kể vào quá trình phục hồi của bệnh nhân.
“Y học cổ truyền Trung Quốc đã đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện tỷ lệ phục hồi và hạ thấp tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2”, ông Gao Xiaojun nói trong một họp báo vào ngày 24/2.
Theo ông Gao, 87% bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ở Bắc Kinh đã được điều trị bằng y học cổ truyền và 92% trong đó đã cải thiện tình trạng sức khỏe.
Giám đốc khoa y học kết hợp tại Bệnh viện Ditan Bắc Kinh cho biết, 90% các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại bệnh viện đang được điều trị kết hợp có sử dụng y học cổ truyền Trung Quốc. Tỷ lệ bệnh nhân hồi phục khi điều trị bằng TCM là 87,5% và con số này tăng lên 92,3% khi điều trị thêm bằng các loại thuốc tây.
Tuy nhiên, một bác sĩ ở Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, không nên đánh giá quá cao hiệu quả của các phương thuốc truyền thống của Trung Quốc.
“Nhiều bệnh nhân đã phục hồi ngay cả khi họ không sử dụng phương thuốc truyền thống của Trung Quốc. 80% trong số họ có các triệu chứng nhiễm bệnh nhẹ”, vị bác sĩ nói.
“Ít nhất là tại bệnh viện của tôi, tôi sẽ không muốn nhiều bệnh nhân sử dụng phương thuốc y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị bởi điều này sẽ khiến chúng tôi khó theo dõi hiệu quả của các loại thuốc Tây”, bác sĩ cho biết thêm.
Một bác sĩ phẫu thuật tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho rằng, bất kể là phương pháp điều trị nào, các bác sĩ cũng luôn phải tiếp cận một cách khoa học. “Khoa học là nền tảng của y học và khoa học cần phải được kiểm chứng”, bác sĩ nói.
Video: Covid-19 lây lan ở Hàn Quốc và thế giới