Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tỷ giá tăng cao, doanh nghiệp nhập khẩu căng mình gánh lỗ

(VTC News) -

Tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao khiến các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu đang phải căng mình gánh khoản chênh lệch không hề nhỏ.

Trả lời VTC News, đại diện Công ty Cổ phần Dược phẩm Sun Pharma, có trụ sở tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trong quá trình nhập hàng từ nước ngoài, doanh nghiệp và đối tác sử dụng tiền tệ là USD. Thông thường, hai bên sẽ thống nhất tỷ giá bằng cách căn cứ theo một ngân hàng nào đó hoặc là đôi bên cùng thỏa thuận một tỷ giá riêng phù hợp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, doanh nghiệp này phải gánh khoản lỗ khi nhập các sản phẩm từ Mỹ bởi giá USD gần đây liên tục tăng cao.

Vị đại diện doanh nghiệp trên chia sẻ thêm rằng hiện họ chưa có phương án nào để khắc phục. “Chúng tôi luôn giữ ổn định giá bán sản phẩm vì thông thường, chúng tôi đã có kế hoạch tăng giá sản phẩm theo quý, theo năm trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng giữa lạm phát như hiện tại. Do đó, các sản phẩm bị lỗ do tỷ giá tăng cao hiện vẫn chưa có cách khắc phục".

Sun Pharma hiện đang nhập hàng của 2 nhà cung cấp Mỹ, với khoảng 100 mặt hàng khác nhau, chiếm tỷ lệ khoảng 47% nguồn hàng nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc họ đang phải chịu khoản chênh lệch tỷ giá với ít nhất 47% đơn hàng nhập khẩu.

Các doanh nghiệp nhập khẩu đang phải đối mặt với khoản chênh lệch tỷ giá USD/VND. (Ảnh minh họa)

Tương tự, Giám đốc một công ty cơ khí tại Hà Nội thông tin, hồi đầu năm, doanh nghiệp này ký hợp đồng  nhập khẩu dây chuyền máy móc trị giá khoảng 80 tỷ đồng với đối tác ở Đức, hàng sẽ được giao lần lượt sau 8 tháng và 10 tháng. 

Đợt 1, công ty đã thanh toán hơn 20 tỷ đồng. Đến đợt 2, máy đã đóng thùng, chuẩn bị đưa lên tàu chở về Việt Nam nhưng thời điểm ký hợp đồn,g giá 1 USD chưa tới 23.000 đồng, nay vọt trên 24.700 đồng/USD khiến doanh nghiệp chưa nhận hàng đã lỗ.

Còn đại diện một doanh nghiệp chuyên phân phối mặt hàng thực phẩm đông lạnh như thịt bò, lợn, có trụ sở tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, tỷ giá USD trong nước mới tăng mạnh những ngày gần đây, hiện thời chưa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, khoảng chục ngày nữa, khi container hàng tiếp theo cập bến thì chắc chắn giá thành sẽ bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp này cũng đã gửi thông báo về việc tỷ giá USD có thể làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm trong thời gian tới đến các nhà phân phối. Trong trường hợp chênh lệch tỷ giá tác động quá nhiều đến giá nhập hàng thì giá sản phẩm bắt buộc phải đẩy lên để tránh lỗ nặng.

Đại diện nhiều doanh nghiệp khác ước tính chi phí sản xuất sẽ tăng mạnh nhưng việc điều chỉnh giá bán ngay thời điểm này rất khó khăn vì khách hàng không dễ dàng chấp nhận. Đó là chưa kể giữa thời buổi mặt hàng nào cũng tăng giá thì khi giá sản phẩm đắt lên cũng sẽ khiến người tiêu dùng tính toán, thận trọng hơn trong chi tiêu và sẽ sử dụng sản phẩm ngày càng tiết kiệm hơn.

Ông Lê Văn Mạnh, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư Maxko Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực nguyên liệu đồ uống) cho biết, tỷ trọng hàng hóa nhập ngoại của doanh nghiệp này không cao, chỉ có 2 mã hàng. Do đó, chênh lệch tỷ giá USD không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh. Nhưng đối với những công ty làm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, lượng đơn hàng nhập về thường xuyên theo tuần thì chắc chắn chênh lệch tỷ giá USD sẽ rất ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.

"Lấy ví dụ, dịp đầu năm khoảng 22.500 đồng/USD, còn bây giờ khoảng hơn 24.800 đồng, tăng thêm khoảng hơn 2.800 đồng mỗi USD. Giả sử như một container hàng hóa trị giá 50.000 USD thì chỉ tính riêng tiền chênh lệch tỷ giá đã tốn thêm khoảng 140 triệu đồng, đây là một khoản tiền không hề nhỏ", ông Mạnh phân tích.

Công Hiếu

Tin mới