Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trẻ nhập viện tăng, bệnh viện ở Hà Nội lại kín giường

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Long, số trẻ đi khám vì bệnh truyền nhiễm như COVID-19, RSV, cúm A, tay chân miệng... tăng nhưng đa phần nhẹ, 10-15% bệnh nhi phải nhập viện.

 

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, hiện nay, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 80-100 bệnh nhi tới khám vì các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, 10-15% trong số này phải nhập viện. Tuy nhiên, con số đang có dấu hiệu đi ngang, không tăng đột biến.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Long, khoa Nhi Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Lây, cho biết bệnh nhi nhập viện vì các bệnh như COVID-19, cúm A, RSV, chân tay miệng, thủy đậu, rota virus... Số trẻ mắc bệnh liên quan đường hô hấp vẫn chiếm nhiều nhất. Các bệnh như tay chân miệng, thủy đậu số lượng ít hơn, chỉ có một vài ca.

Theo bác sĩ Long, những trẻ phải nhập viện đa số ở mức độ trung bình nặng. Bởi trường hợp nhẹ sẽ được cho điều trị tại nhà. Tuy vậy, các phòng bệnh ở đơn vị này đều đã kín giường.

Chị Nguyễn Bích Hải (27 tuổi, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) đang mang bầu ở tuần thứ 25 nhưng vẫn phải vào viện chăm con 18 tháng tuổi bị cúm A, biến chứng viêm phổi. Trước khi vào viện, bé có biểu hiện sốt cao không hạ. Bà mẹ trẻ cũng rất lo bị lây cúm A từ con vì đang mang thai nhưng không có cách nào khác bởi ông bà đã cao tuổi, có bệnh nền, còn chồng bận đi làm.

Nằm cùng phòng với con chị Hải, bé Hoàng Minh Khang (4 tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) cũng điều trị vì mắc cúm A 10 ngày chưa khỏi bệnh. Trẻ mệt, không ăn uống được khiến chị Phạm Thị Tơ (37 tuổi, mẹ bé Khang) rất lo lắng. "Hai tháng gần đây, huyện tôi rất nhiều người mắc cúm A, trẻ con hay người lớn đều bị", chị Tơ nói.

Còn con chị Xuyên (trú tại Liên Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội) 19 tháng tuổi, bị chân tay miệng, đã nhập viện 4 ngày. Ban đầu, trẻ chỉ có một nốt ở miệng, sau đó lan rộng hơn nên chị cho con đi khám. "Bé ăn uống kém, quấy khóc nhiều về đêm nên cả mẹ và con đều rất mệt mỏi. Nhà tôi có 5 trẻ cùng sống chung trong một gia đình, rất dễ lây cho nhau. Hai bé khác sống cùng nhà cũng đang phải điều trị vì mắc chân tay miệng ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Gia đình phải nghỉ việc, chia nhau chăm sóc các con", chị Xuyên chia sẻ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các bệnh nhi mắc COVID-19 được cách ly, điều trị trong khu vực riêng. Bác sĩ Nguyễn Văn Long cho hay đơn vị này đang điều trị cho khoảng 20 trẻ mắc COVID-19. Phòng bệnh này cũng đã kín giường.

Đa phần trẻ trong tình trạng nhẹ, thuộc đối tượng chưa tiêm phòng, có bệnh nền (sơ sinh, đẻ non, tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng)... nên rất dễ bị lây nhiễm bệnh. "Bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên, so với đợt COVID-19 trước, chúng tôi chưa ghi nhận nhiều ca bệnh nặng", bác sĩ Long cho hay.

Bệnh nhi nhỏ nhất tại đơn nguyên này mới 4 ngày tuổi, hiện sức khỏe ổn định. Trẻ vẫn được theo dõi sát vì sức đề kháng kém.

Vị chuyên gia cho rằng số ca mắc tăng nguyên nhân có thể từ thay đổi thời tiết, người dân lơ là hơn trong việc phòng, chống dịch khiến bệnh lây lan nhanh. Trẻ đa số phát hiện sớm, được test ngay sau khi có triệu chứng. Triệu chứng bệnh cũng không có sự thay đổi so với trước đây, ở trẻ nhỏ vẫn là ho, sốt, đau rát họng...

Theo bác sĩ Long, trẻ nhập viện khi đã nặng đa phần do tâm lý chủ quan của cha mẹ, nghĩ rằng bệnh của con không nghiêm trọng, tự ý sử dụng thuốc. Trong thời gian này, bác sĩ khuyến cáo người dân nên lưu ý hơn trong việc phòng chống các loại dịch bệnh, tuân thủ nguyên tắc 2K như hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, phụ huynh chú ý cho trẻ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vaccine.

Nguồn: Zing News

Tin mới