Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10-15 trẻ mắc tay chân miệng khám ngoại trú và 5-7 ca bệnh đang điều trị nội trú. Có trường hợp diễn biến nặng nhưng con số này không nhiều.
Theo đại diện bệnh viện đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có những biểu hiện bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân. Tuy nhiên, bệnh viện tiếp nhận điều trị một số trẻ mắc tay chân miệng gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài thường đã chuyển biến nặng.
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội cho biết, bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây nên, dễ lây và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mầm non, mẫu giáo.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường trẻ có biểu hiện sốt, biếng ăn, nôn trớ. Ngoài ra, sau khi sốt, các nốt còn mọc ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bắp chân… Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim, gây phù phổi.
Sau khi sốt, các nốt mọc ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bắp chân bé.
Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm 2023 đến nay, hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng. Số ca mắc tăng nhanh trong tháng 3, chỉ hơn 2 tuần cuối tháng ghi nhận gần 40 ca phải nhập viện. Một số trường hợp diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua ghi nhận 80 bé mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 1,5 lần so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố có 378 ca mắc tay chân miệng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 5 ca.
Tuần qua cũng ghi nhận 6 ổ dịch tay chân miệng tại các huyện: Ba Vì 3 ổ dịch, Thạch Thất 1 ổ dịch, Chương Mỹ 1 ổ dịch, Thanh Oai 1 ổ dịch. Các ổ dịch tay chân miệng xuất hiện gần đây chủ yếu lây nhiễm từ trường mầm non, mẫu giáo. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố có 20 ổ dịch tay chân miệng, hiện 9 ổ dịch đang hoạt động.
Chuyên gia khuyến cáo, ngoài các biện pháp phòng bệnh cơ bản, các bác sĩ khuyên cha mẹ nên chú ý nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua tăng cường dinh dưỡng, có chế độ sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Khi trẻ mắc bệnh cần được thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, tránh tự điều trị theo kinh nghiệm.
Bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, mà chủ yếu điều trị triệu chứng. Loại virus này có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Bên cạnh đó, bệnh lây qua tiếp xúc giọt bắn, dịch tiết. Do đó, vệ sinh khử khuẩn là một trong những biện pháp quan trọng phòng bệnh tay chân miệng.
Đối với các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, thủy đậu… đều có số mắc giảm so với những tuần trước đó. Tuần qua ghi nhận 6 ca sốt xuất huyết (giảm 3 ca); 131 ca thủy đậu (giảm 54 ca).