Ngày 12/2, RT dẫn lời Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói Nga có thể chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine nếu chính quyền Kiev không được phương Tây cung cấp vũ khí trong những tuần tới.
Tuyên bố trên được ông Duda đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Figaro của Pháp ngày 11/2, sau khi được hỏi liệu Nga có thể giành chiến thắng ở Ukraine hay không?
"Vâng, họ có thể, nếu Ukraine không nhận được sự giúp đỡ khẩn cấp từ phương Tây", nhà lãnh đạo Ba Lan nói.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. (Ảnh: MTI)
Cũng theo Tổng thống Duda, tuy Ukraine không có cơ sở hạ tầng quân sự hiện đại nhưng họ có con người.
"Nếu chúng ta không gửi thiết bị quân sự tới Ukraine trong những tuần tới, Nga có thể thắng. Moskva có thể thắng và chúng ta không biết họ sẽ dừng lại ở đâu", ông Duda cảnh báo.
Liên quan tới phát biểu của ông Duda, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên Telegram chỉ rõ ngay cả khi vũ khí phương Tây được cung cấp cho Ukraine một cách vội vàng – chúng sẽ không thể thay đổi kết quả của cuộc xung đột.
Bà Zakharova nhấn mạnh, việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine "sẽ không giúp ích gì” cho Ukraine và “chúng sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn".
Trước đó vào hôm 9/2, phó chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, Igor Zhovkva, nói trên Bloomberg rằng các Lực lượng Vũ trang Ukraine "gần như không có đạn dược" do giao tranh với quân Nga ở khu vực Donbass đang diễn ra cường độ cao.
Đầu tuần trước, tờ Wall Street Journal đưa tin, các quốc gia thành viên NATO đang loay hoay thực hiện cam kết viện trợ hàng chục xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine trong khi kho dữ trự của họ không đủ số xe cần thiết.
Trước đó, Đức cho biết sẽ chuyển giao 14 xe tăng Leopard 2 đến Ukraine vào cuối tháng 3. Berlin cũng thông báo họ đang mua gần 190 chiếc Leopard 1 đã ngừng hoạt động để tân trang lại và sẽ sớm gửi chúng đến Ukraine.
Ba Lan, một trong những quốc gia NATO ủng hộ Ukraine nhiều nhất, tuyên bố sẽ cung cấp Ukraine 14 chiếc Leopard 2 và 60 xe tăng T-72 cải tiến từ thời Liên Xô.
Tuy nhiên, các quốc gia như Hà Lan và Đan Mạch, những nước từng gây áp lực buộc Đức phải gửi xe tăng tới Ukraine, giờ đây tuyên bố họ không đủ khả năng chuyển giao Leopard 2 cho Kiev. Còn Phần Lan nói chỉ có thể viện trợ "một vài" xe tăng, nhưng nhiều khả năng là chỉ sau khi nước này gia nhập NATO.
Các nước phương Tây cũng từ chối cung cấp máy bay chiến đấu F-16 - một yêu cầu mới do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra.