Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thị trường tuần qua: Giá xăng cao nhất 7 năm, ô tô điện đầu tiên của VN ra mắt

(VTC News) -

Giá xăng tăng lên mức cao nhất 7 năm, ô tô điện đầu tiên của Việt Nam VinFast VF e34 ra mắt... là tin thị trường nổi bật tuần qua 8/10-15/10.

Giá xăng cao nhất 7 năm, lo ngại cản trở phục hồi kinh tế

Chiều 11/10, giá xăng dầu bước vào chu kỳ điều chỉnh mới. Theo đó, giá xăng RON 95 tăng 967 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 934 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.683 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.879 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng trong nước hiện ở mức cao nhất trong vòng 7 năm.

Giá xăng tăng lên mức cao nhất 7 năm. (Ảnh minh họa).

Nhiều ý kiến lo ngại rằng việc giá xăng tăng cao có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian ngưng trệ vì đại dịch COVID-19. Nguyên nhân là giá xăng dầu chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí vận tải, và việc giá nhiên liệu lên cao làm gia tăng áp lực lên các công ty vận tải, sản xuất điện... 

Trong khi đó, các loại hàng hóa từ sản xuất, thông qua khâu vận chuyển để đến tay người tiêu dùng sẽ chịu tác động gián tiếp từ giá nhiên liệu tăng. Giá thành các loại sản phẩm, dịch vụ bị đẩy lên cao do xăng tăng giá sẽ khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị hạn chế. Điều này tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế, đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Nối lại đường bay Hà Nội - TP.HCM, giá vé liên tục kịch trần

17h ngày 11/10, chuyến bay VN216 của Vietnam Airlines đã cất cánh từ TP.HCM đi Hà Nội với gần 120 hành khách. Đây là chuyến bay thương mại đầu tiên giữa hai thành phố lớn nhất nước sau khi hàng không khôi phục các chuyến bay nội địa.

Ngay lập tức, giá vé bay chặng bay này liên tục tăng kịch trần, cao nhất lên đến gần 3,6 triệu đồng/chiều và thường xuyên "cháy chỗ". Hiện nhiều chuyến chỉ còn ở hạng thương gia với giá cao chót vót gần 8 triệu đồng và nếu không nhanh tay thì khách cũng khó lòng mua kịp.

Lý giải về việc giá vé chuyến bay Hà Nội - TP.HCM cao chót vót, đại diện các hãng hàng không cho biết, hiện đang trong giai đoạn thí điểm, các chuyến bay chỉ chở 50% số khách, cùng với đó, mỗi đường bay chỉ khai thác 1 chuyến/ngày nên chi phí vận hành bị đội lên.

Giá vé chuyến bay giữa Hà Nội và TP.HCM tăng mạnh. (Ảnh minh họa).

Ra mắt mẫu ô tô điện đầu tiên của Việt Nam - VinFast VF e34

Sáng 15/10, mẫu xe điện VinFast VF e34 ra mắt tại Việt Nam theo hình thức giới thiệu trực tuyến, sau hơn 6 tháng được nhà sản xuất công bố thông tin và hình ảnh. Đây là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của thị trường ô tô Việt trong năm 2021.

VF e34 là cái tên đầu tiên được trình làng trong dải sản phẩm ôtô điện của VinFast, theo sau là bộ đôi VF e35 và VF e36 dự kiến xuất hiện trong vài ngày tới ở triển lãm Los Angeles Auto Show diễn ra tại Mỹ.

VF e34 chính là mẫu xe đã lập nên kỷ lục khi chỉ sau hơn 3 tháng mở bán, đã tiếp nhận khoảng 25.000 đơn đặt hàng. Con số này cho thấy sự đón nhận tích cực của khách hàng đối với chiếc ô tô điện đầu tiên do Việt Nam sản xuất.

Hiện tại, VinFast đang triển khai lắp đặt hơn 40.000 cổng sạc cho ô tô, xe máy điện trên toàn quốc để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngay khi bàn giao xe.

Mẫu xe điện VinFast VF e34.

VinFast VF e34 có thiết kế đặc trưng của VinFast, thu hút khách hàng bởi nhiều tính năng thông minh và đặc biệt là chế độ bảo hành lên tới 10 năm. Đây là mức bảo hành duy nhất tại thị trường Việt Nam và cũng là mức cao hàng đầu thế giới.

Đề nghị chỉ định Bamboo Airways bay thường lệ Việt - Mỹ

Bộ GTVT mới đây đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm ngoại giao gửi phía Mỹ về việc chỉ định Bamboo Airways là hãng hàng không của Việt Nam khai thác các chuyến bay thường lệ giữa hai nước.

Bộ GTVT cho biết Bamboo Airways đã hoàn tất các điều kiện kỹ thuật theo quy định để khai thác bao gồm cấu hình đội máy bay B787-9, phương thức bay trên các đường bay đến Mỹ, được Cục Hàng không phê chuẩn năng định khai thác đối với đội ngũ phi công, thợ kỹ thuật, điều phái bay.

Bamboo Airways được chỉ định bay thường lệ đến Mỹ.

Như vậy Bamboo Airways là hãng hàng không thứ 2 được Việt Nam chỉ định khai thác các chuyến bay thường lệ Việt Nam - Mỹ sau Vietnam Airlines. Điều này phù hợp với quy định tại Hiệp định là mỗi bên được phép chỉ định 3 hãng hàng không để thực hiện các chuyến bay thường lệ, kết hợp ngoại trừ các chuyến bay liên danh.

"Việc Bamboo Airways khai thác đường bay thẳng đến Mỹ sẽ không chỉ thúc đẩy sự phát triển và nâng cao vị thế của hàng không Việt Nam, tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam đang dần được kiểm soát và kế hoạch khôi phục các đường bay quốc tế đang được thúc đẩy với việc triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine", Bộ GTVT khẳng định.

Hàng tỷ USD đổ về Việt Nam sau 1 năm ký EVFTA

Chính phủ vừa gửi báo cáo đến Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sau hơn 1 năm (có hiệu lực từ 1/8/2020). Nội dung báo cáo cho thấy trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đạt được những kết quả tích cực bất chấp nhiều khó khăn và trở ngại do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 54,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 38,5 tỷ USD, tăng 11,3% so cùng kỳ còn kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 16,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 32,4 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính riêng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2021 đạt 22,81 tỷ USD, tăng 17% so với 7 tháng đầu năm 2020.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 9,61 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến tháng 9/2021, EU có 2.242 dự án (tăng 164 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,24 tỷ USD (tăng 483 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam và chiếm 6,57% số dự án.

Số tỷ phú USD Việt Nam tăng nhanh trên sàn chứng khoán

Theo ghi nhận của Forbes, Việt Nam có 6 tỷ phú USD. Tuy nhiên, với việc nhiều cổ phiếu tăng giá cũng như niêm yết mới, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ghi nhận tới 9 tỷ phú USD.

Đứng đầu vẫn là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup - với khối tài sản ròng trị giá 7,3 tỷ USD, xếp thứ 374 trong danh sách những người giàu nhất thế giới hiện nay. Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng trong ngày 13/10 tăng thêm 94 triệu USD tương ứng tăng khoảng 1,31%.

Kế đến là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - khi sở hữu 3,8 tỷ USD giá trị tài sản ròng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO VietJet - với tài sản cổ phiếu là 2,8 tỷ USD đứng thứ 3. Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank - với 2,4 tỷ USD xếp thứ 4. Tiếp đó là ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group với 1,9 tỷ USD; ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco Group với 1,6 tỷ USD.

Bên cạnh 6 tỷ phú USD được Forbes điểm danh thì Việt Nam còn 3 tỷ phú USD khác. Đó là ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - với giá trị tài sản cổ phiếu đạt 32.686 tỷ đồng (1,4 tỷ USD); ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes - với 28.217 tỷ đồng (1,2 tỷ USD) và ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Phát Đạt - với 26.346 tỷ đồng (1 tỷ USD).

Việc đưa cổ phiếu KSF lên sàn ngày 6/10 đã đưa tên tuổi đại gia gốc Thanh Hóa Đỗ Anh Tuấn nhanh chóng vào danh sách tỷ phú USD và là một trong những sự kiện đáng chú ý của thị trường những tháng cuối năm.

Thế Giới Di Động “nhá hàng" thương hiệu mới sau lùm xùm thuê đất

Sau khi gây nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến tiền thuê mặt bằng trong thời gian đóng cửa vì dịch bệnh, Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) lại tiếp tục gây chú ý với những biển quảng cáo ngoài trời và các mẫu quảng cáo trên nền tảng trực tuyến có nội dung “Vàng xanh lại đẻ, mừng đón TopZone”.

Nội dung quảng cáo gây tò mò này đã thu hút sự chú ý của công chúng. Sau đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO TGDĐ đã cho biết doanh nghiệp này sắp có thêm nhãn hiệu với 4 màu đặc trưng mang tên TopZone. Hệ thống cửa hàng mới này dự kiến khai trương trong năm nay, song ông Hiểu Em vẫn chưa hé lộ hệ thống này sẽ kinh doanh mặt hàng gì.

Hà Nội cho phép háng quán bán tại chỗ, nhiều chuỗi F&B vẫn “biệt tăm"

Hà Nội đã cho phép các cửa hàng kinh doanh ăn uống được mở cửa hoạt động trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B) vẫn đóng cửa dừng hoạt động.

Cụ thể, Fanpage hệ thống cửa hàng đậu nành chuẩn hữu cơ Soya Garden đã ngưng cập nhật thông tin mới. Người dùng cũng không thể mua hàng của đơn vị này trên các ứng dụng đặt đồ ăn online.

Thương hiệu nhà hàng ẩm thực Nhật Bản Tokyo Deli cũng vừa thông báo đóng cửa cơ sở tại Ngụy Như Kon Tum (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân). Trước đó, thương hiệu này đã dừng hoạt động cơ sở D2 Giảng Võ (phường Giảng Võ, quận Đống Đa). 

Trong khi đó, chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam Golden Gate với hàng loạt thương hiệu ẩm thực Kichi Kichi, Sumo BBQ, Vuvuzela... cũng đóng cửa nhiều cửa hàng.

Giới kinh doanh F&B lý giải, trong thời gian Hà Nội và TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, hệ thống nhà hàng đã dừng hoạt động nhưng vẫn phải trả phí thuê mặt bằng kinh doanh. Trước sức ép này, cùng với lo ngại sau dịch kết thúc thì nhu cầu ăn uống giảm đã khiến doanh nghiệp thu hẹp hệ thống nhà hàng, chấp nhận bỏ đi kinh phí đầu tư mở rộng hệ thống kinh doanh.

THACO hoàn tất mua lại đại siêu thị Emart

Emart Hàn Quốc và THACO đã ký kết thỏa thuận để chuyển nhượng 100% vốn và nhượng quyền độc quyền để THACO tiếp quản hoạt động kinh doanh Emart tại thị trường Việt Nam từ ngày 25/5. Đến ngày 27/09, các bên đã hoàn tất giao dịch và THACO trở thành chủ sở hữu mới của Emart Việt Nam.

THACO sẽ triển khai mở rộng hệ thống đại siêu thị Emart không chỉ tại các thành phố lớn mà còn các tỉnh thành khác trải dài Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2022, THACO có kế hoạch đưa vào hoạt động thêm 2 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh, và sẽ mở rộng hệ thống với 10 cửa hàng hoạt động vào năm 2025.

Doanh số bán ô tô tăng trở lại sau 5 tháng giảm liên tiếp

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho biết, trong tháng 9, số xe du lịch bán ra là 8.347 chiếc (tăng 34% so với tháng trước), xe thương mại 4.886 chiếc (tăng 108%) và xe chuyên dụng 304 chiếc (giảm 2%). Sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt 7.316 chiếc, tăng 37%; số lượng bán ra của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.221 xe, tăng 76%.

Như vậy, sau 5 tháng giảm liên tiếp, doanh số bán ôtô tại Việt Nam đã tăng trở lại.

VinFast Fadil là mẫu xe bán chạy nhất tháng 9 với 2.565 xe, tiếp đến là Thaco Kia Seltos với doanh số 1.200. Đứng thứ ba là chiếc xe 5 chỗ Ford Ranger với 1.158 chiếc.

Tính từ đầu năm, tổng doanh số bán xe của toàn thị trường đạt 166.516 chiếc, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ôtô du lịch tăng 22%, xe thương mại tăng 37% và xe chuyên dụng tăng 63%.

CÔNG HIẾU

Tin mới