Từ 10/10, mỗi ngày có 38 chuyến bay nội địa
Mỗi ngày sẽ có 38 chuyến bay, gồm 13 chuyến từ TP.HCM đi các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hoà, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải PHòng, Phú Quốc, Gia Lai, Rạch Giá với tần suất 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Từ Hà Nội mỗi ngày có 1 chuyến khứ hồi đi TP.HCM và một chuyến khứ hồi đi Đà Nẵng.
Ngoài ra còn có 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Cần Thơ, 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Đắk Lắk, 1 chuyến khứ hồi Hà Nội - Cần Thơ và một chuyến khứ hồi Thanh Hoá - Lâm Đồng.
Riêng đường bay Hà Nội - Cần Thơ sẽ được khai thác linh hoạt khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong thời gian thí điểm, các hãng hàng không tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế theo thứ tự ưu tiên hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch COVID-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác.
Dự kiến nối lại đường bay nội địa từ 10/10. (Ảnh minh họa: VNA).
Nhiều địa phương chậm trễ, đường sắt chưa thể hoạt động
Cục Đường sắt Việt Nam gửi văn bản xin ý kiến các địa phương để thống nhất kế hoạch chạy tàu khách trên các tuyến từ 7/10. Tuy vậy, kế hoạch khôi phục lại các chuyến tàu chở khách không thể thực hiện do các địa phương không nhiệt tình ủng hộ.
Theo Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi, trong số 22 địa phương được Cục Đường sắt gửi văn bản lấy ý kiến, mới duy nhất Đà Nẵng có văn bản thống nhất cho tàu khách chạy trở lại. Các địa phương khác chưa có câu trả lời, do vậy lịch tái khởi động của ngành đường sắt còn bị bỏ ngỏ.
Bộ, ngành đua nhau trả lại vốn đầu tư công
8.054 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài mà 9 bộ ngành xin trả lại tương đương 44% kế hoạch vốn Thủ tướng giao năm nay. Số vốn này có thể phải điều chuyển cho các bộ, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định.
Ngoài ra, 7 bộ được giao vốn có tỷ lệ giải ngân bằng 0%.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 vẫn ở mức rất thấp. (Ảnh minh họa).
Trước đó, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài (vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài) là 51.550 tỷ đồng, trong đó bộ, ngành hơn 16.600 tỷ đồng và địa phương là hơn 34.900 tỷ đồng. Đến 6/10, lũy kế giải ngân của các bộ, ngành mới đạt 3.166 tỷ đồng, tương đương hơn 19% kế hoạch được giao. Kết quả này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và 2020.
Đơn cử, Bộ GTVT được giao 4.837 tỷ đồng, giải ngân hết tháng 9 đạt 2.391 tỷ đồng, bằng 49,43% kế hoạch vốn. Bộ này đề nghị trả lại 3 dự án, giảm trừ tổng cộng 589 tỷ đồng nguồn vốn được giao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) có 18 dự án với tổng vốn được giao là 3.286 tỷ đồng. Bộ mới giải ngân được 45,5%.
Tương tự, việc giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các địa phương dự kiến năm nay cũng chỉ đạt khoảng hơn 36% kế hoạch.
Ví dụ, tại Hà Nội, với 7 dự án ODA được giao có tổng vốn 7.800 tỷ đồng, đến hết tháng 9 mới đạt hơn 17% tiến độ. Tại TP.HCM, với nguồn vốn nước ngoài bố trí là 12.550 tỷ đồng cho 8 dự án, đến nay mới hoàn thành hơn 12% kế hoạch.
Doanh nghiệp miền Nam vật vã vì thiếu công nhân
Các doanh nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM...đang bước vào giai đoạn sản xuất trở lại. Nhưng việc hàng nghìn người ồ ạt về quê khiến doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, phải "trầy trật" tuyển người. Nhiều nơi thậm chí phải tiếp tục đóng cửa.
Riêng tại TP.HCM, hiện tổng số lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp khoảng 135.000, chỉ bằng 46% so với trước đó. Trước 1/10, các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP có khoảng 288.000 lao động, trong đó hơn 70.000 lao động làm việc "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến". Nhưng từ 1/10 đến nay, số lao động trên giảm xuống còn 45.000 người. Số lao động đăng ký mới khoảng 33.000 lao động. Số lao động "3 tại chỗ" chuyển thành bình thường và số bổ sung thêm khoảng 57.000. Như vậy, hiện tổng cộng lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ có khoảng 135.000 người.
Trong quý 3, thành phố có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Trong khi đó, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn là 43.600 - 56.800 người.
Tại Bình Dương, dự báo các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ cần khoảng 50.000 lao động để tái sản xuất, khôi phục kinh tế sau đại dịch. Địa phương này đang phải kêu gọi lao động ngừng về quê để gắn bó với doanh nghiệp
Lùm xùm Thế Giới Di Động tự ý giảm giá thuê nhà
Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) gần đây gây nhiều ý kiến trái chiều khi bị nhiều chủ nhà "tố" đơn phương thông báo không đóng tiền thuê mặt bằng trong thời gian đóng cửa vì dịch bệnh.
Ngày 2/10, TGDĐ thông báo sẽ không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng (trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước), không thanh toán 70% tiền thuê mặt bằng (trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch). Thời gian áp dụng từ 1/1/2021 đến 1/8/2021.
Công văn đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.
Đến ngày 6/10, TGDĐ tiếp tục ra thêm công văn nhắc lại nội dung này. Đồng thời, yêu cầu chủ nhà phản hồi trước 25/10 để thống nhất mức giảm giá thuê mặt bằng trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Sau ngày 25/10, nếu chủ nhà không có bất kỳ phản hồi nào, công ty sẽ tiến hành các nội dung như đã thông báo.
TGDĐ gây nhiều ý kiến trái chiều khi tự ý giảm tiền thuê mặt bằng. (Ảnh minh họa).
Động thái của Thế Giới Di Động gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều chủ nhà bức xúc khi TGDĐ tự ý giảm tiền thuê mặt bằng, tự chuyển tiền vào tài khoản của người cho thuê khi chưa thống nhất thỏa thuận giữa hai bên. Trong khi đó, giới luật sư phân tích, việc bên thuê đơn phương gửi văn bản định sẵn số tiền giảm và mặc định chuyển khoản số tiền cho bên cho thuê thì đó chỉ là ý kiến một chiều. Bên cho thuê có thể phản hồi lại bằng văn bản. Và khi có tranh chấp về hợp đồng thuê nhà thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là tòa án.
Trước lùm xùm này, sau phiên giao dịch 3/10, mã MWG của CTCP Thế giới Di động giảm 1,25%, tương ứng mỗi cổ phiếu “bốc hơi” 1.600 đồng. Với hơn 712 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường MWG bị thổi bay hơn 1.130 tỷ đồng.
Lãi suất huy động xuống mức thấp nhất 4 năm
Tại báo cáo thị trường trái phiếu mới công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) đang có mức lãi suất huy động thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Trong tháng 9 vừa qua, nhóm này đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với 2 loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt 0,02 và 0,05 điểm phần trăm, xuống còn 4,45%/năm và 5,39%/năm.
Trong khi đó, đối với ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng), lãi suất huy động của kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh giảm 0,02 điểm phần trăm, xuống còn 5,37%/năm; song lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng vẫn điều chỉnh tăng nhẹ lên 6%/năm.
Nhìn chung toàn thị trường, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng thấp nhất là 3,7%/năm và cao nhất là 6,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng thấp nhất là 4,5%/năm và cao nhất 6,8%/năm. Như vậy, lãi suất trung bình hai kỳ hạn này trong tháng 9/2021 cùng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm nghiên cứu tại BVSC dự đoán trong các tháng tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế hồi phục. Lãi suất ngân hàng vẫn tiếp tục được đánh giá sẽ không tăng trong thời gian còn lại của năm.
"Vua" thép Việt lọt Top 15 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới
Hãng dữ liệu tài chính của Anh quốc Refinitiv Eikon (tiền thân là Thomson Reuters Data) vừa công bố Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới.
Trong đó, Việt Nam có 1 đại diện là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đứng thứ 15 trong danh sách này với mức vốn hóa 11 tỷ USD, lớn hơn vốn hóa của Tập đoàn thép có sản lượng hàng đầu Nhật Bản là JFE Holdings có vốn hóa 8,9 tỷ USD, đứng thứ 19.
Với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và tương đương nhà sản xuất thép Top 50 thế giới.
Tính tới hết 6/10, theo Forbes, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát có tài sản ròng 3,8 tỷ USD, xếp thứ 853 trên thế giới và là người giàu thứ hai Việt Nam, chỉ sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Cựu chủ tịch Coteccons mua lại dự án 2.000 tỷ ở Bình Dương
Hiện, ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch Coteccons - là cổ đông lớn nắm 50% vốn tại Song Hỷ Quốc Tế - chủ đầu tư dự án cao ốc ở Bình Dương với mức đầu tư 2.000 tỷ.
Cụ thể, đầu năm 2019, Thuduc House đã mua lại 99% vốn tại Song Hỷ Quốc Tế, qua đó phát triển dự án cao ốc hỗn hợp Aster Garden Towers do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.
Dự án Aster Garden Towers (tên gọi trước đây là Tecco City Bình Dương), thuộc phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Dự án có diện tích gần 18.855 m2 với 1.632 sản phẩm căn hộ chung cư, thương mại, shophouse... Theo dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, sẽ được khởi công trong năm nay và bàn giao vào năm 2022.
Đến cuối năm 2019, Thuduc House bất ngờ cho biết công ty có kế hoạch chuyển nhượng khoản đầu tư tại Song Hỷ Quốc Tế trong năm 2020. Ngày 29/3/2021, Thuduc House thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Song Hỷ Quốc Tế với giá trị gần 963 tỷ đồng. Bên mua lại là 2 cá nhân gồm ông Bùi Ngươn Phong (99,672%) và bà Trần Thị Hà (0,328%).
Tuy nhiên chỉ sau nửa tháng, ông Nguyễn Bá Dương - cựu chủ tịch Coteccons - bất ngờ mua lại 50% vốn Song Hỷ Quốc Tế từ ông Bùi Ngươn Phong. Như vậy hiện công ty này có 3 cổ đông đều là cá nhân.
Ông Nguyễn Bá Dương là nhà sáng lập công ty xây dựng đầu ngành Coteccons, tuy nhiên sau đó dần đánh mất quyền chi phối doanh nghiệp. Đỉnh điểm căng thẳng tại các đại hội cổ đông khiến ông Dương phải rút khỏi vị trí lãnh đạo và bán toàn bộ cổ phần, Coteccons hiện nay do nhóm Kusto Group nắm quyền kiểm soát.
Vạn Phát Hưng bị đình chỉ kinh doanh bất động sản 1 năm
Công ty Vạn Phát Hưng (TP.HCM) bị phạt 300 triệu đồng, dừng các hoạt động kinh doanh bất động sản 12 tháng do vi phạm về đất đai tại Nhơn Đức (Nhà Bè).
Báo cáo tài chính bán niên soát xét của Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (VPH) bị kiểm toán lưu ý về quyết định xử phạt bổ sung liên quan đến dự án Khu dân cư Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Doanh nghiệp này đã vi phạm quy định bán sản phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền có văn bản xác nhận đủ điều kiện bán bất động sản hình thành trong tương lai, bị phạt 300 triệu đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh 12 tháng kể từ ngày 2/6.