Nguyễn Công Phượng để lại hành động không đẹp ở trận đấu giữa HAGL và Becamex Bình Dương. Phút 80, cầu thủ mang áo số 10 có tình huống va chạm với Nguyễn Anh Tài. Anh bị trọng tài Nguyễn Viết Duẩn phạt thẻ vàng.
Phản ứng của Công Phượng sau đó khiến cầu thủ này bị chỉ trích. Anh đứng quay lưng về phía trọng tài và ném chai nước đang uống dở ra phía sau. Chai nước không đi trúng trọng tài. Ông Viết Duẩn sau đó quyết định không phạt lỗi hành vi, mà chỉ nhắc nhở Công Phượng. Nếu trọng tài phạt thẻ vàng, Công Phượng sẽ nhận thẻ đỏ gián tiếp.
Video: Công Phượng ném chai nước về phía trọng tài
Sau trận đấu, VPF gửi HAGL văn bản, trong đó nhấn mạnh "sự việc trên đã gây ra hình ảnh phản cảm và phản ứng thiếu tích cực từ truyền thông và người hâm mộ, ảnh hưởng đến hình ảnh giải đấu nói chung và CLB HAGL nói riêng", đồng thời yêu cầu CLB nhắc nhở Công Phượng.
Một số ý kiến cho rằng Công Phượng không nên được triệu tập lên ĐTQG ở đợt tập trung chuẩn bị cho vòng loại World Cup. Ý kiến viện dẫn trường hợp của Nguyễn Văn Quyết ở Hà Nội FC năm 2016 để so sánh. Trong trận đấu giữa đội bóng Thủ đô và Sanna Khánh Hòa ở vòng 4 V-League 2016, Văn Quyết từng xô ngã trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh và bị truất quyền thi đấu.
Văn Quyết sau đó bị treo giò 5 trận và không được thi đấu cho tuyển Việt Nam, dù đã có tên trong danh sách triệu tập.
Video: Văn Quyết đẩy ngã trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh
Cũng trong năm 2016, Trương Đình Luật bị treo giò 3 trận bị hành vi đạp vào bụng cầu thủ Felix của CLB Quảng Nam. Cuộc họp của HLV Nguyễn Hữu Thắng cùng VFF sau đó cũng đi đến thống nhất: Đình Luật bị gạch tên khỏi đội tuyển, dù anh là một trong những nhân tố được tin dùng ở thời điểm ấy.
2 trường hợp của Văn Quyết và Đình Luật được nhắc lại để chứng minh: một cầu thủ tạo ra hình ảnh phản cảm ở V-League nên bị loại để giữ gìn hình ảnh cho ĐTQG.
Luận cứ trên không sai, khi danh sách triệu tập đội tuyển không phải ý chí, quyết định của riêng HLV Park Hang Seo cùng ban huấn luyện. HLV Park cùng VFF sẽ họp để trao đổi, sau đó danh sách chỉ có hiệu lực khi được phía Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT-DL phê chuẩn.
Một cầu thủ chơi hay đến mấy, nhưng có hành vi phản cảm, làm tổn hại hình ảnh bóng đá Việt Nam, thì cũng sẽ cân nhắc việc có được chơi cho ĐTQG hay không. Tuy nhiên, so sánh hành vi ném chai nước của Công Phượng với tình huống vi phạm trước đây của Đình Luật, Văn Quyết là khập khiễng.
Thứ nhất, Công Phượng không nhận án phạt "nóng" từ trọng tài Viết Duẩn - người trực tiếp chứng kiến tình huống ở khoảng cách rất gần. Biên bản của giám sát trận đấu cũng không liệt kê hành vi của Công Phượng.
Như vậy, những người làm chuyên môn liên quan đến trận đấu đều đánh giá việc ném chai nước của Công Phượng là hành vi không quá nghiêm trọng. Trọng tài Viết Duẩn sau đó cũng chỉ nhắc nhở ngôi sao của HAGL, thay vì rút thêm một thẻ vàng để cảnh cáo lỗi hành vi (tương đương thẻ đỏ, do Công Phượng đã nhận 1 thẻ vàng trước đó).
Công Phượng ném chai nước về phía trọng tài.
Thứ hai, nếu hành vi xô ngã trọng tài của Văn Quyết hay phạm lỗi thô bạo của Đình Luật năm 2016 là cố ý, có thể minh định bằng mắt thường, thì không hành vi của Công Phượng chưa nghiêm trọng như thế.
Cầu thủ của HAGL ném chai nước uống dở trong tư thế quay lưng, nên không dễ chứng minh Công Phượng cố tình ném chai nước vào trọng tài, hay sử dụng bạo lực để gây thương tổn cho người "cầm cân nảy mực" trận đấu.
Trong văn bản gửi HAGL, VPF đánh giá sự việc "gây phản cảm và phản ứng thiếu tích cực", bởi dẫu cố ý hay không, hành động của Công Phượng cũng không đẹp, không phù hợp với tinh thần fair-play của bóng đá nói chung và triết lý HAGL đang theo đuổi nói riêng.
Công Phượng chắc chắn bị nhắc nhở, nhưng sẽ vội vàng nếu quy kết đây là tình huống có chủ đích của cầu thủ số 10. Vậy nếu chai nước rơi vào đầu trọng tài thì sao? Trả lời truyền thông, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải cho rằng rất nguy hiểm nếu suy diễn như thế, bởi hành động sau cùng đã không xảy ra.
Công Phượng bị nhắc nhở với hành vi không đẹp.
Sau cùng, phản ứng nóng nảy của các cầu thủ, trong những trận đấu cụ thể, là rất bình thường trong bóng đá. Các cầu thủ đôi khi căng thẳng, không giữ được cái đầu nóng dẫn đến sai lầm. Đánh giá mức độ nghiêm trọng và xử lý thế nào là nhiệm vụ của trọng tài (người trực tiếp điều khiển trận đấu) và ban kỷ luật.
Nói vậy không phải để bênh vực Công Phượng. Tiền vệ của HAGL đã sai, nhưng so sánh hành động của anh với "án lệ" trước đây của Văn Quyết, Đình Luật thì không hợp lý.
Còn nếu Công Phượng hay bất kỳ ngôi sao nào có hành vi xấu xí và gây tổn hại nghiêm trọng đến bóng đá Việt Nam, thì dù anh ta có quan trọng đến mấy với ĐTQG, VFF và ban huấn luyện cũng sẽ có những cân nhắc phù hợp. Xét cho cùng, hình ảnh bóng đá nước nhà mới là thứ cần được tôn trọng và bảo vệ hơn cả.