Làm việc thông minh: Nhiều người điều hành công ty lớn không làm việc quá 90 tiếng/tuần. Thay vào đó, họ làm việc hiệu quả hơn. Để rèn luyện thói quen này, người trẻ cần xác định thời điểm mình làm việc tốt nhất rồi dồn phần lớn công việc trong ngày vào thời điểm đó. Nghỉ giải lao cũng rất quan trọng. Để tăng năng suất, người lao động có thể chia công việc thành từng phần, nghỉ xen kẽ giữa các phần. Về lý thuyết, 25 phút làm việc, 5 phút nghỉ là tốt nhất. Nhưng mỗi người có thói quen khác nhau nên có thể điều chỉnh cho phù hợp bản thân. (Ảnh: Barnimages)
Hiểu rõ giá trị của mình: Laura Garnett, diễn giả của TEDx, tin tưởng mỗi người đều có tài năng riêng. Người thành công hiểu rõ mình giỏi ở mặt nào và tận dụng nó mỗi ngày. Do đó, bạn nên xác định tài năng của mình, giúp bản thân tự tin, đặt mục tiêu chính xác và đi đúng hướng. (Ảnh: Shutterstock)
Tự học không ngừng: Ngay cả người thành công nhất cũng không bao giờ bằng lòng với hiện tại. Họ không ngừng học hỏi, tìm cách phát triển. Ngày nay, con người có thể tiếp cận nguồn thông tin khổng lồ khiến việc tự học đơn giản hơn trước. Vì thế, bạn hãy nghĩ tới kỹ năng muốn trau dồi rồi tìm video, sách, lớp học giúp bạn nâng cao chuyên môn. Ảnh: (Getty Images)
Chủ động tìm kiếm niềm vui trong công việc: Mọi người đều có những lúc cảm thấy bế tắc, không vui trong công việc. Người thành công không để điều đó làm họ tê liệt. Họ tìm kiếm nguyên nhân và đưa ra giải pháp. Người mới bắt đầu có thể làm được điều này bằng cách lập bảng theo dõi công việc, từ đó có dữ liệu, chủ động hơn, giảm bớt thời gian vào những nhiệm vụ khó hoàn thành hoặc tìm kiếm công việc mới. (Ảnh: Shutterstock)
Tạo dựng sự tự tin: Nhiều người cho rằng tự tin là tính cách bẩm sinh. Thực tế, đây là kỹ năng, cần làm việc siêng năng trong thời gian dài để đạt được nó. Để xây dựng lòng tin vào bản thân, người trẻ cần chú ý đến những thông điệp tiêu cực tự gửi đến mình rồi hạn chế dần và thay vào đó bằng các thông điệp tích cực. (Ảnh: Getty Images)
Không để thất bại cản trở mình: Bất cứ ai cũng thất bại nhiều lần, kể cả những người thành công nhất. Điều khác biệt, họ không để thất bại cản trở mà học hỏi từ vấp ngã. Vì thế, Laura Garnett khuyên người trẻ nên theo dõi các thất bại, không phán xét, đổ lỗi. Khi chuyện gì đó đi lệch hướng, bạn cần tạm dừng, ghi lại chuyện xảy ra, sau đó, nghĩ xem có thể học được gì từ tình huống này. (Ảnh: Getty Images)
Hỏi các phản hồi thường xuyên: Những lãnh đạo tài giỏi không sợ các phản hồi từ đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới. Họ xem đây là công cụ để học hỏi, phát triển bản thân. Để làm được như vậy, bạn có thể bắt đầu bằng cách lập danh sách 10 người hợp tác chặt chẽ và tin tưởng để hỏi họ cách họ đánh giá, nhận xét, góp ý cho bạn trong công việc. (Ảnh: Getty Images)
Thích quá trình làm việc chứ không chỉ chú ý thành tích: Xã hội có xu hướng tập trung thành tích dù thực tế, việc để ý quá trình khiến con người sống lành mạnh, vui vẻ hơn. Vì thế, mỗi ngày, bạn nên tự hỏi mình chú ý vào quá trình hơn thành quả cuối cùng không. Nếu có, bạn đang đi đúng hướng. Nếu chưa, bạn cần điều chỉnh để có thêm niềm vui trong công việc. (Ảnh: Shutterstock)
Tự tạo ra quy tắc: Người thành công tự tạo ra quy tắc thay vì tuân theo quy tắc chung của xã hội. Nó giúp họ được sống là chính mình dù có thể khác biệt với người xung quanh. Việc biến điều này thành thói quen sẽ giúp người trẻ sống hạnh phúc, thành công trong công việc hơn. Vì thế, mỗi khi cần đưa ra quyết định lớn, bạn hãy viết ra những ưu, nhược điểm, xác định xem bạn muốn thế hay bố mẹ, người khác muốn thế. Từ đó, bạn học cách tin tưởng bản thân, đưa ra quyết định phù hợp, sống cho chính mình chứ không phải người khác. (Ảnh: Shutterstock)
Ưu tiên sức khỏe: Cuối cùng, thành công không chỉ về mặt công việc mà là tổng thể con người. Bạn sẽ dễ phát triển nếu có nền tảng sức khỏe tốt. Vì thế, bạn cần rèn luyện thói quen tốt cho sức khỏe như ngủ ngon, tập thể dục mỗi tuần, tập yoga. (Ảnh: Shutterstock)